Theo AARP, hơn một nửa số người trên 50 tuổi bị huyết áp cao. Sau 60 tuổi, con số này tăng lên đáng kể với 3/4 người trưởng thành ở độ tuổi này mắc bệnh. Nguy cơ bị huyết áp cao gia tăng khi bạn già đi.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu mình có nguy cơ mắc bệnh nếu trong gia đình, cha mẹ hoặc anh chị em ruột đã mắc tình trạng này. Tiến sĩ Iftikhar Kullo, bác sĩ tim mạch tại Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota (Mỹ), cho biết: "Di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh huyết áp cao. Chúng tôi thường thấy tình trạng này xuất hiện trong nhiều thế hệ của cùng một gia đình."
Tuy nhiên, TS Kullo cũng nhấn mạnh rằng các gia đình không chỉ chia sẻ gene mà còn chung thói quen sống. Phần lớn nguy cơ di truyền có thể được kiểm soát thông qua các thói quen lành mạnh.
Gene và nguy cơ tăng huyết áp
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Genetics vào tháng 5/2024 đã mở rộng hiểu biết về vai trò của gene trong bệnh tăng huyết áp. Nghiên cứu phân tích gene của hơn một triệu người gốc Âu và phát hiện 113 biến thể gene liên quan đến huyết áp cao. Các nhà khoa học có thể xác định chính xác các vị trí trên DNA góp phần gây ra tình trạng này.
TS Kullo giải thích: "Nếu bạn có một biến thể gene, nguy cơ tăng huyết áp chỉ khoảng 0,5 đến 1 mmHg. Tuy nhiên, khi bạn mang nhiều biến thể gene, các rủi ro có thể cộng dồn và dẫn đến mức huyết áp cao hơn đáng kể."
Sử dụng dữ liệu từ các biến thể gene, các nhà nghiên cứu đã xây dựng điểm số nguy cơ đa gene (polygenic risk score) để dự đoán khả năng mắc huyết áp cao dựa trên số lượng biến thể gene nguy cơ mà mỗi người sở hữu.
Yếu tố môi trường và lối sống
Ngoài gene, những người sống trong cùng gia đình thường chia sẻ các yếu tố môi trường và thói quen sống. Chế độ ăn uống, mức độ vận động, và các yếu tố tâm lý xã hội đều có thể tác động đến nguy cơ mắc huyết áp cao.
TS Leslie Cho, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Phụ nữ tại Cleveland Clinic, nhận định: "Nếu bạn lớn lên trong một gia đình có chế độ ăn nhiều natri, sống ở khu vực thiếu thực phẩm lành mạnh, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hoặc thường xuyên chịu căng thẳng tâm lý, nguy cơ bị huyết áp cao sẽ gia tăng."
Nhiều yếu tố trong số này có thể được điều chỉnh thông qua thay đổi thói quen sống. Hạn chế tiêu thụ muối, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và quản lý căng thẳng hiệu quả là những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.