Sau nhiều năm kết hôn, chị Thương (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi và chồng vẫn chưa thể có con. Khi đi khám, bác sĩ xác định chị Thương bị tắc vòi trứng dẫn đến hiếm muộn. Điều đáng nói, một thói quen tưởng như vô hại lại khiến người phụ nữ này mắc bệnh.
Theo TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết bệnh nhân bị tắc hoàn toàn vòi trứng do vi khuẩn.
Vòi trứng là bộ phận sinh sản quan trọng của người phụ nữ bên cạnh buồng trứng và tử cung. Vòi trứng nối thông từ buồng tử cung đến buồng trứng, đây là con đường tinh trùng bơi lên để thụ tinh với trứng.
"Vòi trứng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai vì đây là nơi hầu hết trứng được thụ tinh. Nếu vòi trứng bị tổn thương, gặp các vấn đề như viêm, sẹo, ứ dịch… sẽ gây nên hiện tượng tắc vòi trứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thụ tinh và mang thai của phụ nữ", BS Thành phân tích.
BS Thành cho hay, các hoạt động tình dục sau khi lập gia đình có thể khiến chị em phụ nữ dễ bị viêm nhiễm phụ khoa. Nếu tình trạng này để lâu ngày sẽ làm vi khuẩn chạy ngược dòng (từ âm đạo lên cơ quan sinh dục đến vòi trứng) làm tắc hai vòi trứng.
"Thời điểm mới lập gia đình, nguy cơ tắc vòi trứng chưa nhiều nên các cặp vợ chồng rất dễ có thai. Khi quan hệ tình dục 3-5 năm, nhiều chị em bị viêm nhiễm ngược dòng và để lâu ngày gây tắc vòi trứng", BS Thành phân tích.
Theo chuyên gia này, qua quá trình khai thác kỹ tiền sử, bệnh nhân cho biết có thói quen cho tay vào trong âm đạo để kỳ cọ mỗi lần vệ sinh vì nghĩ rằng như thế là sạch. Tuy nhiên, theo BS Thành đây là cách vệ sinh phụ khoa sai lầm.
Do đó, chị em chỉ cần vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng ở bên ngoài vẫn có thể đảm bảo vừa sạch, vừa an toàn.
Một nguyên nhân khác gây tắc vòi trứng thường gặp, theo BS Thành, chính là các bệnh lây qua đường tình dục.
"Các bệnh lý lây qua đường tình dục như: HIV, lậu, bệnh Chlamydia,… đều có thể gây viêm ngược dòng lên trên, dẫn đến tắc vòi trứng", BS Thành chỉ rõ.
Có một điều báo động là 60-70% các bạn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không biết mình mắc bệnh. Do vậy, bệnh âm thầm lan truyền từ người này sang đối tác khác, nhân lên theo cấp số nhân.
Đối với các bệnh nhân bị vô sinh do tắc vòi trứng, BS Thành cho biết, có hai biện pháp để can thiệp.
Thứ nhất, bệnh nhân có thể phẫu thuật để tái thông vòi trứng và phương án còn lại là thụ tinh ống nghiệm.
"Điều đáng mừng đối với các bạn nữ vô sinh do tắc vòi trứng là kết quả điều trị của phụ nữ vô sinh, do tắc vòi trứng bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm khá khả quan và tiên lượng khá tốt", BS Thành chỉ rõ.
Cũng theo chuyên gia này, phụ nữ đã lập gia đình tốt nhất nên khám, tầm soát, sàng lọc các bệnh phụ khoa 6 tháng/lần, đảm bảo không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm gây tổn thương vòi trứng.