Một kết quả nghiên cứu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 12/4/2017 cho thấy, bệnh ung thư ghi nhận chiều hướng gia tăng ở trẻ em trên toàn cầu. Nguyên nhân sự gia tăng này được cho là năng lực chẩn đoán, phát hiện bệnh hiện nay tốt và sớm hơn.
Ngoài ra, còn xuất phát từ các yếu tố khác như nhiễm trùng và một số tác nhân gây ô nhiễm hiện hữu trong môi trường.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), tính đến năm 2015, thế giới có khoảng 250.000 trẻ em đang bị mắc bệnh ung thư. Trong đó 50.000 trẻ được chẩn đoán có tỷ lệ sống sót là 80% và 200.000 trẻ còn lại chỉ có cơ hội sống khoảng 25%.
Mỗi năm, ước tính có khoảng 4.200 bệnh nhân ung thư mắc mới ở trẻ dưới 19 tuổi. Trong số này, có 2.000 ca ung thư máu, 900 trường hợp u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm...
Bạch cầu là căn bệnh ung thư trẻ em thường gặp nhất, chủ yếu ở lứa tuổi 3-4 tuổi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ung thư khá cao, trong đó ung thư máu chiếm 30% trong các thể ung thư.
Bệnh ung thư thường gặp nhất ở trẻ em dưới 14 tuổi là bạch cầu, chiếm gần 1/3 tổng số ca ung thư, tiếp theo là u thuộc hệ thống thần kinh trung ương (20%) và ung thư hạch bạch huyết.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên (15 - 19 tuổi), tỷ lệ ung thư là 185/1 triệu người/năm. Kết quả trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu phân tích khoảng 300.000 trường hợp được chẩn đoán ở 62 quốc gia trên toàn cầu.