Bạch cầu là căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên trẻ em, chiếm khoảng 34% các ca bệnh. Bệnh thường tấn công trẻ em dưới 5 tuổi và thường là con trai. Trong đó, ung thư máu cấp tính là thường gặp nhất, chiếm khoảng 85% các trường hợp bệnh bạch cầu.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
- Sốt cao kéo dài
- Trẻ mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn
- Sưng khớp gối, đau chân, da xanh
- Các vết bầm tím xuất hiện nhiều, khó khỏi
- Chảy máu mũi, miệng
- Nổi hạch ở cổ
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, bệnh này có thể phòng ngừa được. Theo nghiên cứu mới, bệnh bạch cầu có thể xuất hiện nếu trẻ được giữ trong môi trường quá sạch sẽ.
Theo đó, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp tính cao hơn nếu như không tiếp xúc với vi trùng. Qua nghiên cứu trên động vật, các nhà khoa học nhận thấy những con vật được sinh ra trong môi trường vô trùng sẽ bị bệnh bạch cầu khi phơi nhiễm vi sinh vật.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và đi nhà trẻ có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp tính thấp hơn 30% so với các trẻ được trông giữ trong môi trường quá sạch sẽ. Việc tiếp xúc với môi trường tự nhiên cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch ở trẻ.
Theo tác giả của nghiên cứu này – Giáo sư Mel Greaves, Viện Nghiên cứu ung thư London, Anh, hầu hết các trường hợp mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em có thể phòng tránh được. Theo thống kê của Anh, các trường hợp mắc bệnh bạch cầu chủ yếu xuất hiện ở các gia đình giàu có, khá giả - những người có thể có ý thức hơn về vấn đề vệ sinh.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy, trẻ sinh hoạt trong môi trường quá sạch sẽ, ít tiếp xúc với vi khuẩn cũng dễ mắc các bệnh như viêm khớp, bệnh chàm, viêm ruột so với các trẻ khác.
Nhóm chuyên gia khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường tự nhiên, tham gia các hoạt động thể chất để trẻ có không gian phát triển tự nhiên tốt nhất, và tăng cường sức đề kháng.