Hai quả thận nằm phía sau bụng, bên dưới cơ hoành là cơ quan quan trọng hàng đầu trong hệ tiết niệu. Chức năng chính của thận là lọc máu và các chất thải, giữ lại protein cùng các tế bào máu đi nuôi cơ thể.
Thận cũng đóng vai trò là cơ quan điều hòa thể tích máu: Kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể bằng cách sản xuất nước tiểu.
Chế độ dinh dưỡng có tác động rất lớn đến hoạt động của thận. Do đó, để cơ quan này hoạt động tốt, bạn nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày những thực phẩm dưới đây.
Ớt chuông đỏ
Ớt chuông đỏ chứa hàm lượng kali thấp nên rất tốt cho thận. Thực phẩm này còn giàu các loại vitamin (A, C, B6,...), axit folic và chất xơ giúp thúc đẩy các hoạt động trao đổi chất. Đồng thời, hàm lượng dinh dưỡng trong ớt chuông đỏ còn có tác dụng hỗ trợ quá trình thải độc của cơ thể, từ đó, làm giảm áp lực của một số cơ quan bài tiết.
Ngoài ra, chất chống oxy hóa lycopene trong ớt chuông có nhiều tác dụng trong việc ngăn chặn sự phát triển của một số tế bào ung thư.
Ớt chuông đỏ thường dùng để trộn salad, xào, kho hay dùng kèm với món ăn khác. Món ăn mang đến hương vị thơm ngon đặc trưng và vô cùng hấp dẫn.
Bắp cải
Nhờ hàm lượng kali thấp, bắp cải được liệt kê vào những thực phẩm tốt cho thận. Ngoài ra, bắp cải còn giàu chất xơ, vitamin B6, acid folic cùng nhiều hợp chất hóa học có thể phá vỡ các chất tự do trong cơ thể, giúp phòng ngừa bệnh ung thư và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Bổ sung bắp cải vào chế độ ăn hàng ngày giúp thận khỏe và làm việc tốt hơn. Nếu ngán món xào, hãy thay đổi thực đơn với món bắp cải luộc chấm trứng đơn giản mà ngon miệng hay canh bắp cải nhồi thịt ngọt lừ.
Tỏi
Không chỉ là gia vị làm tăng phần thơm ngon cho món ăn, tỏi còn là vị thuốc hàng ngày tốt cho thận.
Theo đó, các thành phần trong tỏi có tác dụng giảm viêm, hạ cholesterol, chống oxy hóa và đông máu. Từ đó, tỏi giúp giảm "áp lực" thải độc, bài tiết của một số cơ quan trong cơ thể. Chế độ ăn với 10 gram tỏi (3-4 tép) mỗi ngày giúp thận duy trì sức khỏe cũng như hoạt động tốt hơn.
Hành tây
Hành tây nổi tiếng là thực phẩm giàu các chất chống oxy hóa cùng nguồn dinh dưỡng dồi dào giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nhờ giàu các hợp chất flavonoid, hành tây có nhiều tác dụng trong việc ngăn ngừa sự lắng đọng của chất béo trong mạch máu. Đặc biệt, nguồn quercetin dồi dào - chất chống oxy hóa cực mạnh giúp chống viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn chặn nhiều loại ung thư.
Hành tây còn dồi dào khoáng chất crôm, có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất béo, protein và carbohydrate.
Do đó, hành tây có những tác động tích cực đến các cơ quan khác để "chia sẻ công việc" với thận, giúp thận giảm "gánh nặng" và hoạt động tốt hơn.