Nhập viện vì nuốt tăm
Anh N.D.L. 43 tuổi (Hà Nội) đến viện cấp cứu vì xuất hiện triệu chứng lạ. Anh L. kể vài ngày nay anh thường xuất hiện chứng ợ hơi, ợ chua sau bữa cơm tối thấy đau và triệu chứng trên tăng hơn nên đến bệnh viện.
Khi nội soi, bác sĩ phát hiện một dị vật dài, nhọn nằm trong hang vị và được xử lý lấy ra an toàn kịp thời.
Hay như trường hợp của anh Đ.V.Th. (27 tuổi) phải vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hố chậu phải, có cơn đau quặn. Sau khi xét nghiệm và siêu âm, anh Th. được bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện có dị vật ở ruột thừa nên tiến hành gắp dị vật ra. Kết quả, dị vật là tăm tre dài 3m. Anh Th. cũng không rõ mình nuốt phải tăm tre từ khi nào.
Theo anh Th., anh có thói quen xỉa răng bằng tăm và thường ngậm tăm nằm ngủ luôn nên không biết cái tăm đã "chu du" vào trong ổ bụng từ khi nào.
Khi vào thực quản, tăm tre đã có chuyến “phiêu lưu” trong hệ tiêu hoá của người bệnh, từ thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non sang manh tràng, rồi chui qua gốc ruột thừa nằm ở trong lòng ruột thừa rồi chọc thủng ruột thừa gây viêm ruột thừa.
Trường hợp của chị Mai Thị A. 38 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện do tình trạng đau âm ỉ ở bụng, gần đây đau nhiều hơn. Các bác sĩ chiếu chụp phát hiện là một dị vật xiên thủng ruột non của bệnh nhân. Theo chị A., cách đây 2 tuần chị ăn cá và có hóc xương nhưng không thấy xương ở vùng họng nên chị nghĩ xương cá theo thức ăn tiêu hoá và bài thải ra ngoài.
Dị vật tiêu hoá nguy hiểm thế nào?
ThS.BS Nguyễn Quốc Đạt - Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện E trung ương cho biết, dị vật đường tiêu hóa dễ gặp ở mọi lứa tuổi do khách quan. Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới.
Tuy nhiên, những đối tượng dễ mắc là: Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi, người có răng yếu, hoặc có răng giả, người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần, người có thói quen ăn uống không cẩn thận (ăn nhanh, nuốt vội…), có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng (cắt dạ dày - tá tràng, nối vị tràng…). Người có bệnh lý ở dạ dày - tá tràng: hẹp môn vị, làm ứ đọng thức ăn hoặc người có bệnh viêm tụy mạn. Trẻ em ăn nhiều quả chát: ổi xanh, quả sim, xoài xanh,… thì cũng có nguy cơ dễ hình thành dị vật trong dạ dày - tá tràng,...
Bác sĩ Đạt cho biết biến chứng khi bị dị vật đường tiêu hoá nếu dị vật sắc nhọn rất nguy hiểm nó có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp-xe trong thành ống tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc,...
Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì.
Khi nuốt phải dị vật, bệnh nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để được bác sĩ cấp cứu. Nếu di vật ở dạ dày, thực quản, bác sĩ có thể dùng nội soi để gắp dị vật ra.
Bệnh nhân khi mắc dị vật thực quản thường có biểu hiện nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng dần thì nên đi khám ngay, tránh để gây biến chứng nguy hiểm.
Để phòng dị vật tiêu hoá, nhất là dị vật sắc nhọn, khi ăn uống, đặc biệt là những thực phẩm có xương như cá, gà, vịt… nên chú ý ăn kỹ, lựa xương cẩn thận. Nếu không may nuốt phải xương, đừng cố nuốt hoặc không tự ý móc bỏ xương mà cần đến bệnh viện sớm vì xương gà, xương vịt có nguy cơ găm vào ống tiêu hoá.
Ngay sau khi hóc phải dị vật, người bệnh có cảm giác nuốt vướng, nuốt đau, không ăn uống được và thường nôn sau khi tiếp tục ăn uống. Đây là triệu chứng mà người bệnh phải tìm đến khám tại bệnh viện. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức.
Đối với những dị vật ở dạ dày như khối thức ăn gây tắc môn vị và hành tá tràng, người bệnh vẫn ăn uống được, chỉ có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ. Khi dị vật gây xước rách, nhiễm trùng tại vị trí mắc phải, người bệnh có biểu hiện sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm dãi và thức ăn. Nôn ngay khi ăn, uống giai đoạn này là triệu chứng rất điển hình.