Những dị vật không ngờ tới
Mới đây, các bác sĩ ở bệnh viện E Trung ương (Hà Nội), đã cấp cứu trường hợp bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột phải phẫu thuật cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị A. (38 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đau ở bụng dưới. Trước đó, chị A. bị đau âm ỉ ở bụng dưới nên đã tới một bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chiếu chụp và chẩn đoán có dị vật ở đường tiêu hóa.
Chị A. nghĩ do trước đó 2 tuần có hóc xương cá nhưng nghĩ xương sẽ tự tiêu hóa theo đường bài tiết. Chị không điều trị mà xin về điều trị ngoại trú uống thuốc. Bốn ngày sau, tình trạng đau bụng ngày càng nặng lên. Chị A. được người nhà đưa vào Bệnh viện E Trung ương khám.
Sau khi chụp bụng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thủng bít ruột non do có vật nhọn, sắc mảnh đâm vào thành ruột. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải phẫu thuật nội soi để gắp di vật cho chị A.
Ca phẫu thuật được thực hiện vào ngày 26/8, bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt, khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện E Hà Nội cho biết: "Khi nội soi vào ổ bụng của bệnh nhân A., các bác sĩ phát hiện một xương cá dài gần 4cm đâm xuyên thủng hồi tràng (đoạn cuối ruột non).
Lỗ thủng được mạc nối lớn (tổ chức mỡ trong bụng) bọc lại. Lỗ thủng ruột non kích thước 5mm, bờ viêm dày. Bác sĩ đã tiến hành lấy xương cá, làm sạch, khâu lỗ thủng ruột non qua nội soi ổ bụng hoàn toàn".
Bác sĩ Đạt cho biết trường hợp của chị A. còn khá may mắn vì dị vật được mạc nối lớn bao bọc nên không gây tràn dịch tiêu hóa ra ổ bụng.
Trước đó, bệnh nhân Đào Văn T. (28 tuổi, trú tại Phú Thọ) cũng được gia đình đưa vào bệnh viện Hùng Vương cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hố chậu phải, có cơn đau quặn. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp và có chỉ định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa.
Trong quá trình phẫu thuật, ruột thừa nằm ở vị trí hố chậu phải được mạc nối lớn bao quanh, gỡ mạc nối lớn phát hiện dị vật chọc thủng ngọn ruột thừa gây viêm, các bác sỹ tiến hành gắp dị vật kiểm tra là một phần của tăm tre có kích thước khoảng 2cm.
Được biết, bệnh nhân T. có thói quen xỉa răng bằng tăm sau khi ăn và thường xuyên ngậm tăm đi ngủ nên vô tình nuốt tăm khi nào anh cũng không rõ.
Chiếc tăm tre đã có hành trình vô cùng phức tạp trong hệ tiêu hóa của bệnh nhân. Dị vật đi xuống thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non sang manh tràng, rồi chui qua gốc ruột thừa có đường kính rất nhỏ khoảng nằm trong lòng ruột thừa, và chọc thủng ngọn ruột thừa.
Có thể tử vong do dị vật
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Đạt, dị vật đường tiêu hóa không phải là hiếm gặp. Đặc biệt là các dị vật đường tiêu hóa có tính sắc, nhọn rất nguy hiểm cho bệnh nhân có thể gây thủng đường tiêu hóa.
Có bệnh nhân hóc xương, xương có thể cắm ngay vào thành thực quản nhưng cũng có xương đi xuống dạ dày và ruột gây thủng ở các bộ phận tiêu hóa khác.
Biến chứng hóc dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm. Bác sĩ Đạt cho biết nếu dị vật đâm thủng thực quản sẽ gây áp xe trung thất. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, nguy cơ tử vong rất cao.
Còn trường hợp dị vật đi xuống đâm thủng dạ dày, ruột non, ruột già sẽ gây biến chứng viêm phúc mạc (nhiễm trùng trong ổ bụng) khu trú hoặc toàn thể. Thậm chí, dị vật có thể thoát ra ngoài ổ bụng gây tổn thương các tạng khác. Đây là những biến chứng nặng và thường phải phẫu thuật sớm, nếu không được chẩn đoán, xử trí cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ cảnh báo khi bị hóc dị vật vào đường tiêu hóa, người bệnh đừng chủ quan nên tới các cơ sở y tế để được khám. Nếu có thể gắp ra, bác sĩ sẽ gắp qua nội soi, nếu dị vật sắc nhọn đi vào đường tiêu hóa cần phẫu thuật để lấy ra tránh nguy cơ dị vật sắc nhọn đâm vào ống tiêu hóa.