Thực hư lấy bia giải rượu
Trước đó, vào ngày 23/12 tại Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị diễn ra buổi tiệc liên hoan mừng Giáng sinh. Trong buổi tiệc có sử dụng bia, rượu. Sau đó đến ngày 25/12 có 4 người bị ngộ độc rượu bao gồm ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược.
Ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai bệnh nhân còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28/12/2018, bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.
Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc; mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu 4 bệnh nhân đã uống tại bữa tiệc ngày hôm đó cũng có hàm lượng methanol vượt quá 1.119 lần ngưỡng cho phép.
Thạc sĩ Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho biết bệnh nhân Nhật nhập viện trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu và soi đáy mắt. Khi chưa có kết quả xét nghiệm dựa vào biểu hiện lâm sàng các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu.
Ngay lập tức, bác sĩ đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực thì sau 24 giờ bệnh nhân Nhật tỉnh, nay đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm, việc sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân Nhật thực ra bác sĩ cũng đắn đo khi đưa một lượng bia như thế vào bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải đau đầu làm sao để cân bằng cho bệnh nhân, thải độc tốt cho bệnh nhân.
Thạc sĩ Lâm cho biết theo phác đồ sử dụng rượu để truyền nhưng thực tế không có rượu để truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân trong trường hợp thế bác sĩ đành mạo hiểm dùng bia. Thạc sĩ Lâm chia sẻ đây là lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện này sử dụng bia để giải ngộ độc methanol cho bệnh nhân.
Không khuyến khích
Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, việc truyền bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol có thể tạm chấp nhận được nhưng không khuyến khích.
GS Bình thông tin: "Trong bia có nồng độ cồn 4 – 4,5 % được coi là rượu nhạt etanol. Nếu truyền vào cho bệnh nhân sẽ gây ra tranh chấp methanol đang gây độc cho bệnh nhân".
Tuy nhiên, việc các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị lấy 5 lít bia truyền cho bệnh nhân ngộ độc methanol, GS Bình cho biết “tôi cũng không hiểu vì sao lại lấy bia để giải độc rượu methanol”.
Methanol là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH (viết tắt MeOH), là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước, một chất lỏng với một mùi đặc trưng, nhưng hơi ngọt hơn ethanol.
Trong những năm gần đây, methanol thường xuyên gây ra các vụ ngộ độc khiến nhiều người tử vong.
Sau khi uống phải rượu methanol không ngộ độc ngay mà các triệu chứng xuất hiện từ 12-24 giờ. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và có thể dẫn đến tử vong.
Nhiều trường hợp mờ mắt, hôn mê đưa đến viện nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong còn có trường hợp cứu được cũng mù mắt.
Theo GS Bình trong cấp cứu ngộ độc methanol, phương pháp được sử dụng chính đó là lọc máu thải methanol.
Ngoài ra có phương pháp truyền rượu ethanol để thải trừ methanol. Tuy nhiên phương pháp này ít sử dụng. GS Bình cho rằng về nguyên lý dùng cái nọ tranh chấp cái kia và được phép sử dụng rượu “xịn” cho bệnh nhân uống nhưng không khuyến cáo vì bia nồng độ rượu nhẹ khi đưa vào cơ thể sẽ phải cho khá nhiều. Nếu bệnh nhân ngộ độc hôn mê thì dễ gây sặc phổi gây viêm phổi nguy hiểm hơn.
Giáo sư Bình cho biết cách tốt nhất đó là sau khi uống quá nhiều rượu nếu thấy dấu hiệu buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm theo các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn cần tới viện sớm nhất để lọc máu thải độc mới có cơ hội được cứu.