Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng
PGS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ nếu năm 2012 ung thư phổi đứng đầu thì đến nay bệnh ung thư gan đứng đầu trong các bệnh ung thư ở Việt Nam. Ung thư gan nguy hiểm và người bệnh còn phát hiện khi bệnh quá muộn.
Trường hợp bà Nguyễn Thị H (68 tuổi, quê Nam Định) vừa được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn III. Điều khiến bà H. lo lắng đó là con trai cả của bà cũng vừa qua đời vì ung thư gan nay lại đến bà bị bệnh này.
Bà H. cho biết trước đây con bà vì đau bụng, mệt mỏi đi kiểm tra phát hiện ung thư gan. Dù đã được phẫu thuật và điều trị nhưng bệnh cũng chỉ kéo dài được gần 1 năm thì con trai bà qua đời. Đến nay bà lại mắc bệnh khiến mọi người đều hoang mang.
Bà H. kể gia đình làm nông nghiệp là chính, năm nào cũng trồng vài luống lạc và để gia đình dùng dần. Lạc phơi tự bóc và mốc bà lại rửa đi sử dụng chứ chẳng nghĩ đó có thể là nguyên nhân gây ung thư.
Khi vào viện, bà được phát cho các tờ tuyên truyền về tác nhân gây ung thư gan trong đó có lạc mốc bà mới giật mình biết lạc mốc, ngô mốc, đậu đỗ mốc ăn phải có thể gây ung thư.
Lương Y Nguyễn Hữu Khai – Cựu Tổng giám đốc Đông dược Bảo Long cũng vừa qua đời vì ung thư gan sau khi phát hiện bệnh được thời gian ngắn. Là lương y cũng là người có kinh nghiệm rất nhiều trong việc thải độc, bảo vệ sức khỏe nhưng lương y Khai cũng không thoát khỏi án ung thư gan.
Ông Trần Đ.K., Giám đốc một bệnh viện ung bướu ở Hà Nội cũng qua đời sau khi phát hiện ung thư gan được vài tháng.
Các chuyên gia đều cảnh báo ung thư gan ở nước ta đứng vào TOP 5 các nước có bệnh ung thư gan thế giới. Trên bản đồ ung thư của thế giới thì tỷ lệ ung thư gan là báo động đỏ.
Nguyên nhân mắc bệnh
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia về gan mật, nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Quân Y 103, Hà Nội chia sẻ ung thư gan ở nước ta chiếm tỷ lệ cao bởi vì Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ viêm gan vi rút rất cao đặc biệt là viêm gan vi rút B và viêm gan C.
Ngoài viêm gan virus, PGS Thành nhấn mạnh các sản phẩm lạc mốc, ngũ cốc mốc đang là yếu tố gây ra bệnh ung thư gan. Bởi vì trong lạc mốc, ngũ cốc mốc sinh ra độc tố aflatoxin rất nguy hiểm. Độc tố này đi vào gan sẽ kích hoạt tế bào ung thư hay còn gọi “mở khóa ung thư gan”.
PGS Thành cho rằng có nhiều người cũng từng hỏi ông liệu đũa mốc, thớt mốc có thể gây ung thư gan không?
Tuy nhiên, theo PGS Thành đũa mốc, thớt mốc cũng có thể sinh ra độc tố aflatoxin nhưng độc tố ở gỗ không xâm nhập sâu vào trong nhân như ở ngũ cốc nên rửa đi có thể hết, nó không nhiều còn ở các loại ngũ cốc lạc, đậu tương thì có rất nhiều mà rửa đi cũng không hết vì nó ngấm vào nhân lạc, nhân đậu.
Ở nước ta nhiệt độ nóng, ẩm rất dễ cho nấm mốc sinh ra ở các loại ngũ cốc. Vì thế, khi thấy các loại hạt ngũ cốc mốc cần bỏ đi không cho cả vật nuôi ăn.
Ngoài ra cần có các biện pháp chống ẩm mốc cho ngũ cốc. Nhiều cơ sở sản xuất kẹo lạc, đậu tương cần tránh để nguyên liệu mốc để hạn chế tối đa độc tố aflatoxin vào người.
GS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch hội vi sinh Việt Nam chia sẻ độc tố aflatoxin có thể gây ung thư đã được chứng minh qua các thí nghiệm và độc tố này ở nước ta có nhiều nhất là ở các thực phẩm ngũ cốc lên men tự nhiên như nước tương có sinh ra aflatoxin.
Aflatoxin sinh ra từ nấm aspergillus và loại nấm này sản sinh ở mức nhiệt độ là 26°C - 28°C, ở nhiệt độ từ 28°C - 33°C và độ ẩm 80% - 90%, nấm aspergillus bài tiết độc tố aflatoxin rất nhanh và độc tố này thấm sâu vào lòng của ngũ cốc.
Khi ăn nếu bị ngộ độc cấp tính aflatoxin người bệnh có biểu hiện sốt, nôn mửa, chán ăn, vàng da, bụng trướng, phù chi dưới, nặng có thể gây suy gan và tử vong. Còn ngộ độc trường diễn bằng việc ăn ít lượng độc tố này nó sẽ phá hủy tế bào gan gây ung thư gan.