Nghe có vẻ trái ngược nhưng thông thường, những con dao sắc bén sẽ an toàn hơn khi sử dụng so với những con dao cùn. Khi dao quá cùn, bạn phải tạo áp lực nhiều hơn để cắt thực phẩm. Hành động này có thể khiến dao bị trượt dễ gây đứt tay.
Do đó, hãy chuẩn bị sẵn một viên đá mài và học cách mài dao trong nhà. Khi biết được bí quyết này, bạn sẽ luôn sở hữu những con dao sắc bén đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Các bước mài dao đúng cách với đá mài
Các vật dụng cần dùng để chuẩn bị mài dao bao gồm: Đá mài, khăn khô, một ly nước, lưỡi dao cần mài.
Đầu tiên, bạn đặt đá mài trên thớt hoặc mặt bàn, lưu ý để mặt đá nhám thô bên trên. Phía dưới lót một chiếc khăn ướt để đá không bị trơn trượt.
Một tay cầm cán dao và giữ cạnh dao sát mép đá mài tạo thành góc khoảng 22 độ, tay còn lại ổn định lưỡi dao. Bắt đầu trượt lưỡi dao về phía trước với áp lực vừa phải. Mài một mặt lưỡi khoảng 10 lần sau đó lật mặt dao tiếp tục mài.
Để tăng hiệu quả, bạn nên mài thật mịn cả hai mặt của lưỡi dao đồng thời vảy thêm nước trong trong quá trình mài. Thao tác mạnh, dứt khoát sẽ giúp lưỡi dao bén sắc hơn.
Sau cùng, rửa sạch và lau khô lưỡi dao để loại bỏ bụi kim loại.
Theo các chuyên gia, bạn nên mài sắc lưỡi dao khoảng 1 tháng một lần để công việc bếp núc thuận tiện, dễ dàng hơn.
Bạn có thể tham khảo cách mài dao theo đoạn clip hướng dẫn sau:
Những lưu ý để bảo quản dao đúng cách
Dao được làm từ kim loại, nếu không biết cách sử dụng và bảo quản, bạn rất dễ làm hư hỏng hoặc thiệt hại đồ dùng làm bếp thông dụng này.
Do đó, sau khi sử dụng, bạn nên rửa sạch, lau khô dao, cho vào kệ, hạn chế tiếp xúc với một số vật liệu bằng bạc để tránh ăn mòn. Những loại dao cán nhựa nên tránh xa nguồn nhiệt nhằm giảm nguy cơ bị nóng chảy.
Chỉ nên sử dụng đá mài chuyên dụng để mài dao. Tuyệt đối không mài dao bằng đáy chén hoặc đĩa có thể ảnh hưởng đến phần lưỡi dao, dễ bị cong vòng, khó sử dụng.