Trong những ngày thời tiết trở lạnh, bất ngờ sau một đêm đi chơi về, bạn gái N.T.V.A (23 tuổi, Hà Nội) thấy mặt mình có sự khác thường, mắt nhắm không kín, méo miệng. Điều này đã khiến cô gái trẻ vô cùng tự ti khi bước ra ngoài.
Theo BSCK1. Nguyễn Thị Hải Yến, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội, triệu chứng mắt nhắm không kín và méo miệng như của N.T.V.A là những triệu chứng điển hình của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (dân gian thường gọi là liệt mặt).
Hiện tượng này ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân trẻ tuổi như V.A.
Dây thần kinh số 7 là gì?
Dây thần kinh số 7 là một dây hỗn hợp, có nhân nằm ở cầu não, phụ trách nhiều chức năng về vận động, cảm giác, vị giác. Dây thần kinh số 7 điều khiển vận động các cơ bám da mặt và da cổ.
Việc cử động các cơ này biểu lộ những trạng thái cảm xúc khác nhau như vui buồn, tức giận… Ngoài ra, dây thần kinh số 7 chi phối hoạt động bài tiết của các tuyến nước mắt, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi… và nhận thêm vị giác ở 2/3 trước lưỡi.
Do đặc điểm giải phẫu – chức năng, liệt dây thần kinh số 7 có 2 kiểu: Trung ương và ngoại biên.
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường gặp như nhiễm virus, viêm tai giữa, cảm cúm hay cảm lạnh, chấn thương mặt… Thường gặp nhất là do nhiễm lạnh đột ngột.
Theo BS Yến, đoạn dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá, khi gặp lạnh đột ngột khiến mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chẹn dây thần kinh trong ống Fallope, từ đó dẫn đến liệt.
Dấu hiệu nhận biết liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
- Dấu hiệu Charles - Bell dương tính: Biểu hiện là khi bệnh nhân nhắm mắt chủ động, mắt bên liệt nhắm không kín, nhãn cầu vận động lên trên và ra ngoài (khi đó giác mạc lẩn dưới mi trên, củng mạc trắng lộ rõ giữa hai khe mi).
- Miệng méo, rãnh mũi – má bên liệt bị mờ.
- Trán mất nếp nhăn, má hơi xệ. Quan sát thấy hai bên mặt không cân đối, các cơ mặt bị kéo về bên lành.
- Không làm được động tác nhe răng, phồng má, mím môi, huýt sáo, thổi lửa, chau mày.
Điều trị như thế nào?
Cũng theo BSCK1 Nguyễn Thị Hải Yến, đa số các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh chữa bằng y học cổ truyền cho kết quả tốt. Trong điều trị thường phối hợp nhiều phương pháp như dùng thuốc uống, châm cứu, tiêm thuốc vào huyệt, điện châm, lý liệu pháp, xoa bóp.
Dùng thuốc
Y học cổ truyền sử dụng phương pháp chữa là khu phong tán hàn, hoạt lạc. Thường dùng bài Đại tần giao thang, bao gồm các vị thuốc:
Khương hoạt: 8g
Cam thảo: 6g
Xuyên khung: 8g
Độc hoạt: 8g
Ngưu tất: 12g
Đẳng sâm: 12g
Tần giao: 8g
Đương quy: 8g
Phục linh: 8g
Bạch chỉ 8g
Thục địa: 12g
Bạch truật: 12g
Xuyên khung: 8g
Bạch thược: 8g
Hoàng cầm: 8g
Tùy theo thể trạng các bệnh nhân, bác sĩ sẽ gia giảm thêm các vị thuốc cho phù hợp
Không dùng thuốc
Khi không dùng thuốc, các bác sĩ sẽ can thiệp bằng phương pháp châm cứu kích điện vào các huyệt: Dương bạch, toản trúc, tình minh, ty trúc không, đồng tử liêu, thừa khấp, nghinh hương, giáp xa, địa thương, nhân trung, thừa tương bên liệt.
Song song đó, kết hợp với cứu ngải những huyệt trên và xoa bóp vùng mặt cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Cách phòng chống liệt dây thần kinh số 7
BS Hải Yến cũng đưa ra những lời khuyên để phòng tránh bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên như sau:
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đeo khẩu trang, khăn quàng cổ khi ra ngoài đường.
- Tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt
- Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt hay điều hòa thổi thẳng vào mặt
- Đối với những người học tập và làm việc vào ban đêm không nên ngồi gần cửa sổ tránh gió lùa.