Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề rất phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, trong đó thói quen ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu.
Rau sắn - một loại rau tưởng chừng như chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nhưng sơ suất khi ăn có thể gây ra tình trạng ngộ độc. Hôm nay, hãy tìm hiểu rõ hơn về những nguy hiểm khi ăn rau sắn sai cách và các lưu ý khi ăn loại rau này để tránh ngộ độc nhé!
1. Những nguy hiểm sức khỏe khi ăn rau sắn sai cách
Nhắc đến rau sắn, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món nộm rau sắn ở Hòa Bình hoặc rau sắn muối chua ở Phú Thọ. Đây là những món ăn dân dã được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, lạ miệng.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng loại rau này vốn dĩ được người xưa dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi, chẳng hạn như nuôi cá, nuôi tằm,... Đặc biệt, ăn rau sắn khi chưa chế biến kỹ có thể gây ra ngộ độc, thậm chí là tử vong.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung - một thành viên của Hội Đông y Việt Nam, rau sắn đem lại một số tác dụng nhất định đối với sức khỏe nhưng không được khuyến cáo dùng nhiều, bởi trong rau sắn có chứa một độc tố thuộc loại glucosid. Loại độc tố này khi gặp men tiêu hóa, axit hoặc nước sẽ bị thủy phân và giải phóng ra axit cyanhydric gây chết người.
Liều gây tử vong của axit cyanhydric là 1mg/kg trọng lượng cơ thể. Liều gây ngộ độc đối với người lớn là 20mg, liều gây tử vong là 50mg (người có cân nặng khoảng 50kg); với trẻ em, người già và người ốm yếu thì liều gây ngộ độc sẽ thấp hơn. Tùy theo số lượng rau sắn ăn nhiều hay ít mà triệu chứng ngộ độc sẽ có biểu hiện nặng hay nhẹ, xảy ra nhanh hay chậm.
Chất độc axit cyanhydric trong lá sắn khi đi vào máu sẽ làm ức chế hoạt động của men cytocrom oxydase, gây ra tình trạng thiếu oxygen ở mô. Ngoài ra, nó còn gây tác động lên trung tâm hô hấp và trung tâm điều hòa nhiệt ở hành não.
Khi bị ngộ độc nặng, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, tê lưỡi, sau đó sẽ bị co giật, cứng cơ, cứng hàm, giãn đồng tử, mặt tím tái, liệt hô hấp và tim,... Bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính nặng không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ tử vong sau 30 phút. Còn nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ qua khỏi cơn nguy kịch và hoàn toàn không để lại di chứng.
Với những trường hợp bị ngộ độc nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, khô cổ họng,... Lúc này, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi một lúc thì sẽ trở lại bình thường.
2. Những lưu ý khi ăn rau sắn để tránh ngộ độc
Để phòng tránh ngộ độc, khi dùng rau sắn để làm thực phẩm, mọi người phải đặc biệt chú ý không ăn sống rau sắn, kể cả khi nó đã muối chua. Ngoài ra, trước khi ăn, bạn cần chế biến thật kỹ trên nhiệt độ cao.
Dù có độc tố gây hại nhưng rau sắn cũng chứa một lượng lớn chất xơ. Lượng chất xơ này khi cung cấp vừa đủ vào cơ thể có thể giúp điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ bị tắc đường ruột bởi chất xơ trong rau sắn là loại chất xơ không hòa tan. Vì thế, bạn nên hạn chế rau sắn, không nên ăn thường xuyên như các loại rau khác.
Ngoài ra, người có vấn đề về hệ tiêu hóa, thai phụ, mẹ bỉm, trẻ em, và người già tuyệt đối không nên ăn loại rau này, bởi rau rau sắn còn có thể làm mất sữa và gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.