Lần đó tôi giận chồng, mọi tương tác đều “rút lại" bằng những thông tin thuần túy. Quen kiểu đùa giỡn rộn ràng, khi vợ chồng giận nhau, không khí trong nhà nặng nề hẳn. Vừa hé cửa ra khỏi phòng thì thấy chồng đang đứng ngoài ban-công hút thuốc, tôi lùi lại, thở dài ngồi xuống làm nốt vài việc trên máy tính.
Lúc đẩy cửa vào, anh ngồi xuống mép giường phía sau lưng ghế làm việc của tôi, nói: “Vợ, chỉ có hai người với nhau sao phải lạnh nhạt làm gì?”.
Tự cô lập nhau
Mai là quản lý một nhà hàng lớn. Lân - chồng Mai tài xế taxi. Cuộc sống trở nên khó khăn kể từ ngày Mai sinh đứa con thứ hai, bé đầu hay vào viện vì bệnh vặt. Vợ chồng “mất vui" khi cả hai đều chưa thể thích nghi với áp lực từ lúc gia đình có 4 người.
Công việc quá bận, nghỉ phép một ngày cũng dễ khiến Mai trở thành tội đồ khi nhà hàng không có người thay. Kiếm chuyện làm thêm cũng trở thành không tưởng dù Mai rất muốn tăng thu nhập. Phần Lân, anh càng phải cày cuốc qua những chuyến xe liên tục, kể cả trong giờ nghỉ. Thời gian dành cho gia đình càng lúc càng hẹp lại. Giao tiếp của vợ chồng Mai chỉ quẩn quanh mấy lời đề nghị việc nhà, phân công đón con.
Dần dà, chồng trở thành một sự “nhắc nhở" về áp lực, sự ngột ngạt và trách nhiệm trong Mai. Mai biết Lân cũng cảm thấy vậy. Có những lúc chỉ còn hai người với nhau khi con cái đã ngủ, câu nói có vẻ “riêng tư" nhất Lân hay hỏi vợ là “sao không thấy em nhăn nhó nữa?”. Biết chồng có ý “trả đũa" những nhăn nhó của mình từ lúc đón con, dọn dẹp, tắm rửa, cơm nước… nhưng Mai không trả lời mà thường vô phòng tắm, bật nước, rồi khóc một trận cho đến khi đủ rã rời để quay ra ngủ.
Là bạn thân, tôi được Mai tâm sự. Lúc đó, tôi như đang thấy một người phụ nữ trẻ hoạt bát vừa “biến hình" thành một người vợ chán chường. Mai hỏi “giờ có cách nào để thoát khỏi cảnh này không? Giờ tao thà một mình nuôi con và yên ổn đi làm còn hơn là phải đối phó nhau như vậy”. Ngay lúc ấy, tôi không có câu trả lời. Ngoài ba mươi tuổi, hai đứa con, kinh tế không mấy dư dả - câu chuyện của Mai có phải là kịch bản chung cho tất cả phụ nữ có cùng hoàn cảnh?
Vài ngày sau, tôi lại nghe Mai bật khóc trong điện thoại với một tâm thế khác. Những ngày gần đó, Lân càng trầm lặng hơn khi về nhà. Mai thấy lạ, nhưng khoảng cách vợ chồng đã quá lớn để cô phá tan bầu không khí im lặng. Chỉ có điều, nếu ngày thường Mai vẫn ước “vợ chồng đã không nói được điều gì ngọt ngào với nhau thì cứ im lặng làm tốt nghĩa vụ của mình", thì lần này cô lại thấy bất an. Đang canh cánh nỗi lòng, thì khi mang quần áo của chồng đi giặt, Mai phát hiện tờ giấy chuyển số tiền gần ba mươi triệu đồng của anh. Tài khoản nhận tiền ghi tên một khách sạn. Nội dung thanh toán ghi “N.V.Lân thanh toán".
Tất cả chi tiết trong tờ giấy chuyển tiền ấy đều gây sốc với Mai. Một khách sạn xa lạ - nơi không hề có kết nối công việc gì với Lân. Thêm nữa, trước giờ, Lân không quen với các giao dịch ngân hàng. Trong cơn bối rối, cô nghĩ đến khả năng Lân “thuê phòng theo tháng". Nhưng để làm gì? Ngay phút đó, tất cả bức bối lặng yên bao nhiêu ngày tháng chợt trở thành một nỗi ấm ức tột bực.
Cô nghe tiếng Lân gõ cửa vài lần, rồi anh dùng chìa khóa mở cửa vào phòng. Nhìn tờ giấy chuyển tiền để trên chiếc tủ đầu giường, Lân ngồi xuống, ôm vợ, rồi cũng bật khóc. Lúc này, Mai mới nhận ra mình đang được ở gần người đàn ông mau nước mắt mình từng yêu cách đây lâu lắm rồi. Cũng bằng chừng ấy thời gian, cuộc sống dồn ép đủ điều khốn khó, Mai cũng quên không thắc mắc những yếu đuối thường thấy xưa kia Lân đã trút đi đâu. Lân nói: “Anh xin lỗi em”.
Lân kể về nguồn cơn của mảnh giấy chuyển tiền, cũng như nỗi khổ đã đeo đẳng anh suốt nhiều ngày. Trong một lần trả khách tại khách sạn lớn có tên trên mảnh giấy chuyển tiền, anh đã sơ ý gây va chạm, làm ngã vỡ cặp cây cảnh lớn trước sảnh, bị buộc bồi thường số tiền gần 30 triệu đồng. Mỗi lần nghĩ tới Mai và hai con, anh lại thấy tội lỗi.
Anh có thể mượn tiền của người thân để trang trải khoản bồi thường, nhưng lại sợ số nợ sẽ làm Mai thêm áp lực. Cuối cùng, anh quyết định không để vợ bận tâm mà tự vay tiền đồng nghiệp để trả. Rắc rối tạm được giải quyết, nhưng mỗi lần nghĩ tới cảnh vợ vất vả sớm hôm, anh lại thấy mình bất tài rồi rơi vào chán nản.
Mai thở phào, nói “anh không sao là mừng rồi. Lẽ ra mình phải ăn mừng vì anh bình an, còn tiền thì dần dà vợ chồng sẽ dành dụm được". Sau những ngày vợ chồng lạnh nhạt đến mức tưởng chừng buông nhau được, thì chính lúc đó, Mai như được thức tỉnh bởi một sự gắn bó sâu xa với người đàn ông bên cạnh. Mai biết, không sự giúp đỡ hay an ủi nào có thể khiến Lân bớt lo âu bằng một lời động viên của vợ.
Vậy mà bấy lâu nay, giữa những trục trặc thường nhật, từng người đã tự cô lập mình và cô lập đối phương. Vợ chồng đã bỏ rơi nhau, để mỗi người tự xoay xở trong những áp lực chung - riêng, rồi còn tạo cho nhau những áp lực, những khoảng cách như những “tín hiệu giả" cho một sự đổ vỡ bên trong.
Người đầu tiênvà là người duy nhất
Trong nhóm bạn thân của tôi, Tân vẫn được nhắc đến như một người đàn ông bất hạnh trong hôn nhân. Đám bạn nhậu lại hay “đồn” là vợ Tân khá “dữ". Tân cũng đôi lần bộc bạch về những ngột ngạt trong hôn nhân, có lúc Tân còn thừa nhận “tụi tui chắc đứt". Có những người bạn gái thẳng tính còn tự cho mình cái quyền nhận xét về vợ Tân trước mặt anh. Những người chừng mực hơn thì vẫn không ngăn được sự thương cảm khi nghĩ Tân không được san sẻ với bạn đời.
Cho đến buổi tân gia của một người bạn khác trong nhóm, được dịp trò chuyện riêng với vợ Tân, tôi mới nhận ra những người thân thiết đã ngộ nhận về cuộc hôn nhân này, cũng như người ta vẫn hay ngộ nhận/đánh giá không đúng về sự gắn bó vợ chồng.
Nhìn Tân vui vẻ với bạn bè, cô vợ nhỏ hơn chúng tôi nhiều tuổi mới mở lời bộc bạch: “Ảnh ra ngoài vui vẻ vậy chứ về nhà hay thở dài lắm. Ảnh bị một chứng rối loạn gì đó ở đường tiêu hóa mà đi khám bao lần bác sĩ cũng không gọi tên được bệnh. Ảnh sợ đủ thứ nên không muốn chia sẻ với ai. Mỗi lần nghe bác sĩ nào giỏi tiêu hóa em đều phải dỗ ngon dỗ ngọt đủ đường ảnh mới chịu đi. Em sợ ảnh suy sụp tinh thần trước khi suy sụp vì bệnh”.
Tôi chợt thấy mọi lo lắng, thương cảm của bạn bè dành cho Tân bấy lâu đều vô nghĩa. Có thể vợ chồng Tân có trục trặc, có những lúc “muốn đứt”. Có thể đôi lúc Tân cần bạn bè chia sẻ, phân tích và bày vẽ trong những tình huống bế tắc của hôn nhân. Nhưng cuối cùng, ở nút thắt ngặt nghèo nhất, trong thách thức chí mạng nhất của cuộc đời, Tân vẫn chọn vợ để san sẻ. Trong niềm riêng ấy, họ vẫn chỉ có hai người với nhau.
Biết bao nhiêu người gặp biến cố, bế tắc trầm trọng trong công việc, trong cuộc sống mà không tìm được cách nào để mở lời chia sẻ với bạn đời. Đó chính là khi hôn nhân phải chịu một sức mạnh cô lập của những dòng phụ lưu chồng chéo trên dòng chảy chủ đạo của mối gắn bó vợ chồng.
Đó là khi vợ chồng Mai bỏ rơi nhau trong những áp lực tài chính, con cái. Đó là khi Lân im lặng trầm tư suốt nhiều ngày liền mà không thể san sẻ với vợ về tai nạn anh gặp phải. Khi Tân phải tìm đến bạn bè để trút những ngột ngạt trong đời sống vợ chồng. Là khi tôi lạnh nhạt nhiều ngày trời vì một cơn giận mà chẳng biết những ngày đó đã trôi qua thế nào với chồng, chẳng biết anh có điều gì cần san sẻ không. Là khi ta quên mất rằng mình chỉ có hai người với nhau, quên mất mình có sức mạnh của hai người nên cứ mải bỏ bê nhau tự xoay xở với những trục trặc của ngày.
Một buổi chiều gần đây, tôi nhận được cuộc gọi báo tin vui của chị họ mình. Vợ chồng chị ly thân hai năm nay vì xung đột trong lối sống. Anh chị vẫn lặng lẽ quan tâm nhau nhưng tuyệt nhiên không tương tác vợ chồng. Anh ở Việt Nam. Chị ở Mỹ cùng con trai. Khoảng một năm trở lại đây, áp lực công việc khiến chị căng thẳng và có nhiều dấu hiệu trầm cảm. Nhiều lần chị nói muốn về Việt Nam để gần cha mẹ, muốn nghỉ việc để tránh xa nguồn cơn của áp lực. Ở nhà, cha mẹ lẫn họ hàng đều lo lắng cho chị nhưng không ai có thể thay chị quyết định rời nước Mỹ.
Chị khẳng định, nếu về Việt Nam chị dễ bị trầm cảm trong giai đoạn thất nghiệp ban đầu. Nỗi sợ đó giam cầm chị ở Mỹ. Nhưng trong cuộc gọi gần nhất đó, chị thông báo đang sắp xếp cho hai mẹ con về trong mùa hè tới.
Động lực để chị đưa ra quyết định chính là sự ủng hộ của chồng. Trong một đêm uống say, chị đã phá lệ nhắn tin cho anh: “Nếu em về Việt Nam và thất nghiệp thì anh có thể lo toàn bộ cho con trai được không?”. Anh lập tức đồng ý. Với bản tính chu đáo và hiểu vợ, anh đã nhắn chia sẻ, động viên chị.
Cả nhà tôi mừng vì chị sắp về với gia đình. Riêng tôi chợt thấy lòng mình khấp khởi vì cái chi tiết nhỏ nhoi giữa câu chuyện đời của người chị nhiều sóng gió, khi chị nói: “Dù gì thì có ảnh chị cũng yên lòng hơn em ạ”.