Dinh dưỡng từ rau ngót
Rau ngót là một loại rau phổ biến, thông dụng trong bữa ăn của người Việt. Rau ngót dễ trồng, dễ sống và được trồng bằng thân, trồng ở mọi nơi. Vì vậy nên rau ngót thường trồng trong vườn, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi... chủ yếu là để tận dụng đất.
Rau ngót sinh trưởng nhanh và đặc biệt ít sâu bệnh, không phải dùng đến thuốc trừ sâu, vì vậy rau ngót ăn rất lành và an toàn. Người ta sử dụng lá rau ngót để nấu canh với thịt, xương, hay tôm, hến cũng đều rất ngon và bổ dưỡng cho bữa ăn gia đình, lại thêm tác dụng giải nhiệt mùa hè. Người thể hư hàn kiêng dùng hoặc nếu dùng nên cho thêm mấy lát gừng.
Rau ngót giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giúp phụ nữ sau sinh nhanh loại bỏ dịch bẩn ra tử cung. Rau ngót cũng là nguồn cung cấp chất xơ quý, giúp ruột tiêu hóa dễ dàng, có tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch.
Lượng protid trong rau tươi nói chung thấp. Tuy vậy có nhiều loại rau người ta thấy một hàm lượng protid đáng kể như rau ngót với hàm lượng lên đến 5,3/ 100 gram.
Chất dinh dưỡng và vi chất: Canxi 169mg; Sắt 2,7mg; Magiê 123mg; Mangan 2.400mg; Phospho 65 mg; Kali 457mg; Natri 25mg; Kẽm 0,94mg; Đồng 190μg.
Vitamin: Vitamin C 185mg và vitamin A 6.650μg.
Rau ngót có hàm lượng vitamin A, vitamin C cao hơn hẳn so với bưởi, chanh, cam... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C trong cơ thể là yếu tố cần thiết để vết thương mau lành và chống lão hóa giúp cải thiện chức năng não. Vitamin A là cần thiết cho tăng trưởng, quá trình nhìn của mắt, chống nhiễm khuẩn và duy trì làn da khỏe mạnh.
Cần lưu ý là vitamin C sẽ bị mất mát khi rau bị dập nát. Vì thế, nên sử dụng rau tươi, nấu xong ăn ngay là cách tốt để bảo toàn lượng vitamin C trong rau.
Theo Đông y, lá rau ngót tính mát lạnh, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rễ vị hơi đắng. Cả lá và rễ cây rau ngót đều có tác dụng với sức khỏe. Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc. Rễ thì lợi tiểu, thông huyết.
Cách nhận biết rau ngót bị phun thuốc kích thích
Lá rau ngót:
Bạn nên chọn rau ngót có lá mỏng nhưng cứng. Tuyệt đối không nên mua lá rau ngót dầy mềm, hoặc lá xoăn lại, bất thường.
Màu sắc:
Rau ngót ngon và sạch có màu xanh lá mạ, rau mọc không được đều lá, có một vài lá bị sâu đục. Trong khi đó, bạn nên tránh mua rau ngót có màu xanh sẫm, lá quá non, đều nhau, không có lá nào bị sâu đục lá.
Màu nước rau ngót:
Với rau ngót tươi ngon, khi nấu canh màu nước xanh nhạt và trong, không có màu sắc bất thường. Trong khi đó, nếu nước canh rau ngót trở thành màu đen ngòm hoặc bị vẩn đục, có nhiều nhớt, nổi váng xung quanh thành nồi thì tuyệt đối không nên ăn vì đó là rau ngót dư thuốc trừ sâu.
Mùi vị:
Khi chế biến, rau ngót có mùi vị đặc trưng riêng. Nếu có vị ngai ngái, quá nồng xen lẫn mùi hắc thì đấy là rau ngót đã bị nhiễm chất độc hại, tuyệt đối không được sử dụng.
Khi bảo quản:
Rau ngót chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ rụng hết lá (dù lá vẫn tươi nguyên) và đặc biệt lúc nấu canh, nếu là rau ngót bẩn, màu nước canh sẽ chuyển sang vẩn đục, nhiều nhớt và nổi váng xung quanh thành nồi.