Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt trong không khí. Trong thời kỳ dịch chồng dịch, người dân không được chủ quan. Ho gà đang có xu hướng gia tăng và dịch chuyển dịch tễ từ trẻ em sang người lớn.
Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: “Khoảng 25% người lớn bị ho gà có các biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi, viêm tai giữa, tiểu tiện không kiểm soát, sụt cân, gãy xương sườn (do các cơn ho liên tục kéo dài)".
Ông nhấn mạnh đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… có nguy cơ mắc và biến chứng nặng nề hơn.
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Ho gà lây lan nhanh hơn cả cảm cúm. Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.
5 giai đoạn của bệnh ho gà
Triệu chứng bệnh ho gà tiến triển khác nhau qua các giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: Bệnh kéo dài 6-20 ngày (trung bình khoảng 9-10 ngày), ở thời kỳ này và chưa có triệu chứng gì.
- Giai đoạn viêm long đường hô hấp: Kéo dài khoảng 1-2 tuần, xuất hiện triệu chứng giống như viêm đường hô hấp (sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi). Cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt kéo dài trên 10 tuần với các biểu hiện cơn ho điển hình như ho rũ rượi thành từng cơn, mỗi cơn ho kéo dài 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.
Những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần, có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Thở rít vào xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho. Trẻ kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà, đây cũng là một nguồn lây bệnh. Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
- Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên, sau đó nhiều tháng, ho có thể tái phát lại gây viêm phổi.
- Giai đoạn lây nhiễm: Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh và có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Sau 5 ngày điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm.
Biểu hiện bệnh ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng, thường khỏi sau 7 ngày.
Phương thức lây truyền
Bệnh lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân. Một người thể lây cho 12-17 người, đặc biệt với khi sinh hoạt trong cùng không gian khép kín lâu dài như gia đình, trường học...
Biến chứng của bệnh thường là viêm phổi, thần kinh và một số cơ quan khác của trẻ như: Viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế năng, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.
Để phòng bệnh ho gà, người dân nên áp dụng các biện pháp sau:
- Tiêm vaccine là cách phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất, tiêm đủ liều và đúng lịch.
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng.
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ 3 tháng.
- Mũi 3: Tiêm khi trẻ 4 tháng.
- Mũi 4: 18-24 tháng, trẻ được tiêm nhắc lại mũi 4 (vaccine có thành phần ho gà như DPT).
- Vệ sinh phòng bệnh: Nhà ở, nhà trẻ, lớp học... phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, người dân cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp bệnh, nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.
- Thực hiện chăm sóc trẻ mắc ho gà đúng cách. Cách ly trẻ với những người bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.
- Những trường hợp mắc bệnh ho gà nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ y tế xã, phường. Những trường hợp mắc bệnh ho gà nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly, điều trị tại trạm y tế xã hoặc bệnh viện.
- Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi, giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày. Luôn đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời. Vệ sinh những đồ vật tiếp xúc hàng ngày bằng dung dịch vô khuẩn.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc, bạn phải cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bài viết do điều dưỡng Nguyễn Khánh Linh, Lê Thị Hằng, Đinh Thu Trang, khoa A4B - Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cung cấp thông tin.