1. Thịt đỏ chứa chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe
Thịt đỏ là phần thịt cơ của các loại thịt như: thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, dê hoặc các động vật có vú trên cạn khác.
Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, trong thịt đỏ chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin B-12. Những chất dinh dưỡng này rất cần thiết để cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu mới.
Hàm lượng protein trong thịt đỏ cũng rất cao. Cơ thể con người cần protein để xây dựng cơ bắp. Ngoài ra nó cũng rất cần thiết cho sức khỏe của xương, mô, da và tóc. Đồng thời giúp sản xuất enzyme, cân bằng pH và chất lỏng cũng như sức khỏe nội tiết tố, miễn dịch.
Các loại thịt đỏ là nguồn cung cấp loại chất sắt cơ thể dễ hấp thu, đó là sắt heme tốt. Sắt heme chỉ có trong thịt, gia cầm và hải sản. Sắt heme được cơ thể hấp thu dễ hơn, tốt cho những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh thiếu máu.
2. Ăn nhiều thịt đỏ có gây ung thư không?
Mặc dù thịt đỏ chứa chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng ăn quá nhiều lại không tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên với một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, một số bệnh ung thư, bệnh thận và tiêu hoá… Đặc biệt các loại thịt đỏ chế biến sẵn có nguy cơ cao nhất.
Nghiên cứu cho thấy, các loại thịt đỏ đã qua chế biến như thịt xông khói, lạp sườn, xúc xích… có hàm lượng chất béo bão hòa cao, có nhiều muối, phụ gia và chất bảo quản hơn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Việc tiêu thụ thịt đỏ cũng được xác định có liên quan đến các dấu hiệu sinh học gây viêm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mạn tính như bệnh tim và có thể dẫn đến một số bệnh ung thư.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, một người không nên ăn quá 2.300mg natri mỗi ngày, trong khi một chiếc xúc xích đã chứa 569mg natri, tức là khoảng ¼ lượng natri bạn nạp vào cơ thể tối đa trong ngày. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về thận, tăng cân và tăng huyết áp.
Theo TS. Tuấn Thị Mai Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn quá nhiều thịt đỏ là yếu tố nguy cơ của một số bệnh như: mỡ máu cao, tim mạch, ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Đây là kết luận của Quỹ phòng chống ung thư Quốc tế dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu về tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trên ở các nước và các dân tộc khác nhau.
3. Cách ăn thịt đỏ an toàn cho sức khỏe
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có ban hành các báo cáo cho thấy việc tiêu thụ thịt đỏ có thể gây ung thư cho con người. Tuy nhiên, theo cơ quan này, vì việc phân loại thịt đỏ là chất gây ung thư nhóm 2A dựa trên bằng chứng hạn chế nên cần tính đến những yếu tố khác khi quyết định có nên ăn thịt đỏ hay không. Khi lựa chọn ăn thịt đỏ, điều quan trọng là chúng ta phải tính đến lượng tiêu thụ và cách chế biến thịt.
Nghiên cứu cho thấy có một số hóa chất nhất định trong thịt đỏ (có cả chất được thêm vào và có trong tự nhiên) có thể gây ung thư. Một số thành phần có hại trong thịt bắt đầu bằng thuốc kháng sinh và hormone tăng trưởng trong quá trình nuôi động vật. Ngoài ra cách chế biến nấu thịt như nướng thịt ở nhiệt độ cao cũng phát sinh các chất hóa học có hại gây ung thư.
Dưới đây là một số cách ăn thịt đỏ an toàn cho sức khỏe được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên thực hiện:
- Chọn những miếng thịt nạc: Các loại thịt đỏ thường có nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, việc chọn miếng thịt nạc có thể giảm cả chất béo và calo. Lượng calo và chất béo xấu dư thừa cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư.
- Ăn với lượng vừa phải: Nên tiêu thụ không quá 3 lần thịt đỏ mỗi tuần. Tổng lượng thịt đỏ trong một tuần khoảng 350-500g sau chế biến.
- Hạn chế tiêu thụ các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói…
- Nấu thịt ở nhiệt độ thấp: Nấu thịt ở nhiệt độ cao như nướng hoặc chiên áp chảo có thể làm tăng sự hình thành các hóa chất gây ung thư. Sẽ an toàn hơn khi nấu thịt ở nhiệt độ thấp hơn và không nên để chúng tiếp xúc với ngọn lửa trực tiếp.