Thông tin từ Zing cho hay, chuyên gia cho hay cá chép ủ muối chua - món ăn gây ngộ độc cho 5 người ở Quảng Nam - do người dân tự làm và dự trữ để ăn dần.
Ngành y tế tỉnh này đã gửi mẫu bệnh phẩm là món cá chép ủ chua còn sót lại đến Viện Pasteur Nha Trang. Chiều 18/3, kết quả từ Viện này cho thấy mẫu bệnh phẩm có chứa Clostridium type E, từ đó có thể khẳng định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Như vậy, các bảo quản đồ muối chua có thể đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho loài vi khuẩn kỵ khí chết người phát triển trong món ăn.
Nhiều người có thói quen bảo quản thức ăn muối chua, lên men trong hộp thủy tinh vặn chặt nắp hoặc hút chân không. Tuy nhiên, đây có thể là cách bảo quản đồ ăn gây ra độc tố chết người. Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết cách bảo quản đồ ăn trong hộp vặn chặt nắp có thể tạo ra môi trường yếm khí, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Người bị nhiễm chất này có triệu chứng tăng dần từ khó thở, sụp mí mắt, liệt toàn thân đến liệt cơ hô hấp.
Theo PGS Thịnh, thực phẩm giàu protein như xúc xích, pate, thịt, cá, đậu... có thể sẽ trở nên nguy hiểm với người dùng nếu bảo quản bằng cách hút chân không do Clostridium botulinum hay vi sinh vật yếm khí phát triển sẽ gây độc tố.
Ông khẳng định các loại thực phẩm không được thanh trùng, tự sản xuất trong gia đình, nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tự hút chân không càng gây nguy hiểm.
Do vậy, gia đình nên bảo quản thực phẩm như thịt, cá, pate, xúc xích…, ở nhiệt độ thấp bình thường, sử dụng trong thời gian ngắn, không nên hút chân không.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa II Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cũng khuyến cáo biện pháp hút chân không không có giá trị phòng, chống vi khuẩn gây ngộ độc, đặc biệt là vi khuẩn gây độc tố Botulinum.
"Bản chất của Clostridium botulinum là vi khuẩn yếm khí. Do đó, thực phẩm không tiệt trùng, không sạch sẽ thì dù được bảo quản bằng phương pháp nào, người dùng vẫn có nguy cơ bị ngộ độc", bác sĩ Loan cho hay.
Theo Báo Nhân Dân trước đó, vào sáng cùng ngày, nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca bệnh ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngay lập tức tổ chức buổi hội chẩn online cùng Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam.
Thông qua kết quả hội chẩn, đánh giá khả năng các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum rất cao, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức trực tiếp mang đem theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium Botulinum (đây là một loại thuốc rất hiếm còn lại tại Bệnh viện Chợ Rẫy) ra Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam, tiến hành hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Vào hồi 13 giờ 30 phút cùng ngày, nhóm chuyên gia đã lên đường đến Quảng Nam.
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam, ê-kíp của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành điều tra dịch tễ và đánh giá 3 chùm ca bệnh tổng cộng 10 người có khả năng bị ngộ độc Botulinum rất cao, gồm:
Chùm ca bệnh thứ nhất gồm 3 nữ và 2 nam, ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cả 5 người ăn cá chép muối ủ chua. Ngày 5/3/2023, từ 12-24 giờ sau khi ăn món này, các bệnh nhân đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói mệt và yếu dần tay chân. Các bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam. Sau 3 ngày điều trị, do diễn tiến quá nặng đã có 1 ca nữ 40 tuổi tử vong. Hiện 4 ca còn lại đã tạm ổn.
Chùm ca bệnh thứ 2: bệnh nhân nữ 1986, ngụ xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân ăn cá chép ủ chua ngày 14/3/2023. Sau 1 ngày thì bị nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, được nhập Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam. Ngày 16/3, bệnh nhân bị suy hô hấp và thở máy đến nay.
Chùm ca bệnh thứ 3 có 4 người, gồm 3 nam 1 nữ cùng gia đình, ngụ xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngày 16/3, cả gia đình ăn cá chép ủ chua. Ngày 17/3/2023, bị nôn ói nhiều nên nhập Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam. Ngày 18/3, trong số này có 2 bệnh nhân bị liệt tứ chi suy hô hấp phải thở máy tới nay và 2 bệnh nhân còn lại (1 bé nam 12 tuổi và 1 bệnh nhân nữ 24 tuổi) yếu nhẹ tứ chi, sức cơ là 4/5-5/5 tự thở được.
Khai thác bệnh sử cho thấy, 3 chùm ca bệnh cùng ăn 1 loại thức ăn là cá chép muối ủ chua. Trong quá trình chế biến loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển).