Chú Vương là người nghiện trà, chú thích pha một ấm trà khi không có việc gì làm.
Nhưng gần đây, vợ của chú Vương nghe đâu đó có câu nói “trà có thể gây ung thư” liền không cho chú Vương uống trà nữa, thậm chí còn giấu hết những lá trà quý trong bộ sưu tập của chú.
Chú Vương vốn mắc chứng “nghiện trà” không thể cưỡng lại được nên đã phải kiên nhẫn giải thích với vợ rằng chú đã uống trà hơn 20 năm mà vẫn khỏe mạnh không bệnh tật gì. Đây là bằng chứng tốt nhất cho thấy nó không gây ung thư.
Uống trà thường xuyên tốt cho sức khỏe hay gây ung thư?
Giáo sư Li Liming từ Trường Y tế Công cộng của Đại học Bắc Kinh đã cố gắng phân tích mối quan hệ giữa việc uống trà và nguy cơ mắc bệnh ung thư, ông đã tiến hành một cuộc khảo sát theo dõi 10 năm trên gần 500.000 đối tượng và phát hiện ra rằng:
Những người uống nhiều trà có xu hướng hút thuốc và uống rượu nhiều hơn, có lẽ do ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt không tốt nên nguy cơ ung thư phổi, ung thư dạ dày của họ cao hơn rất nhiều so với người không uống trà.
Khi thu hẹp phạm vi quan sát ở những đối tượng không hút thuốc, không uống rượu thì vẫn thu được kết quả tương tự, số liệu cho thấy: So với những người uống trà ít hơn 1 lần/tuần, những người uống hơn 4g trà mỗi ngày tăng 29% nguy cơ ung thư dạ dày, trong khi không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ ung thư ruột kết, ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân dẫn đến kết quả này có thể liên quan đến nhiệt độ cao của trà và chất caffein có trong trà kích thích tiết axit dạ dày.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng trà rất giàu chất dinh dưỡng.
Ngoài protein, vitamin và khoáng chất, trà còn chứa nhiều chất phytochemical như polyphenol trong trà, theanine và caffeine, uống điều độ có thể tăng cường khả năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột.
Đặc biệt là chất Polyphenol có trong trà là chất chống oxy hóa tự nhiên, có tác dụng tích cực trong việc hạ huyết áp, hạ mỡ máu, phòng ngừa các bệnh về tim mạch và mạch máu não.
Uống trà là một cách để giữ gìn sức khỏe, nhưng uống không đúng cách quả thực sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, vì vậy bạn nên chú ý để trà nguội trước khi uống, như vậy mới có lợi cho sức khỏe.
Uống trà giúp kéo dài tuổi thọ?
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Đánh giá hàng năm về Nội khoa cho biết: Những người uống hai tách trà đen trở lên mỗi ngày có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 9 -13%. Đồng thời, những người uống nhiều trà có nguy cơ tử vong do các bệnh như tim mạch, thiếu máu cơ tim, đột quỵ thấp hơn.
Do đó, uống trà đen điều độ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và giúp kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, nếu kiên trì uống trà điều độ trong thời gian dài, bạn còn có thể thu được 6 lợi ích sau:
Tràn đầy năng lượng , tăng cường tư duy và trí nhớ;
Thúc đẩy quá trình trao đổi chất và duy trì các chức năng của cơ thể;
Theo một cuộc khảo sát của Anh, trẻ em uống trà thường xuyên có thể giảm 60% tình trạng sâu răng;
Trì hoãn và ngăn ngừa sự hình thành các mảng lipid trong nội mạc mạch máu, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, tăng huyết áp và tắc nghẽn mạch máu não.
Kích thích hệ thống thần kinh trung ương và tăng cường khả năng tập thể dục .
Uống trà có tác dụng giảm cân và làm đẹp rất tốt, đặc biệt là trà ô long.
Nhưng cần lưu ý rằng các loại trà khác nhau có tác dụng khác nhau, chúng ta có thể tùy theo nhu cầu của bản thân mà lựa chọn loại trà thích hợp nhất để đạt được lợi ích tối đa.
6 điều cấm kỵ khi uống trà
6 loại trà không thể tùy tiện uống, uống nhiều không những không có tác dụng mà còn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Trà nóng
Uống trà không được quá nóng, nếu không sẽ làm bỏng khoang miệng và niêm mạc thực quản, lâu ngày có thể gây ung thư miệng, ung thư thực quản.
Trà đặc
Uống trà đặc sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt trong cơ thể, về lâu dài dễ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người cao huyết áp.
Nước trà đầu tiên
Do cách trồng chè hiện đại, một số tạp chất như phân bón hóa học, bụi có thể còn sót lại trên lá chè, vì vậy người ta thường khuyên dùng ấm chè đầu tiên làm nước rửa để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh.
Trà ủ lâu
Sau khi trà được ngâm trong một thời gian dài, các chất dinh dưỡng có trong nó sẽ giảm đi, vì vậy không nên uống trà đã pha lâu.
Chè hỏng
Lá chè đã hư hỏng nên vứt bỏ kịp thời, uống vào chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nói chung, hạn sử dụng của chè xanh là 12tháng; hạn sử dụng của chè đen là 1-2 năm. Ngoài ra, chất lượng trà càng tốt thì hạn sử dụng càng lâu.
Trà để qua đêm
Trà để qua đêm quá lâu không những dinh dưỡng bị bay hơi mà còn dễ sinh vi khuẩn.
Thời điểm không nên uống trà
Lúc bụng đói: Uống trà khi bụng đói không chỉ dễ làm tổn thương dạ dày mà còn có thể gây ra triệu chứng đánh trống ngực, chóng mặt, bủn rủn tay chân,…
Say rượu: Trà có tác dụng kích thích trung khu thần kinh, uống trà đặc sau khi say sẽ làm tăng gánh nặng cho tim.
Trước khi đi ngủ: Uống trà sẽ khiến tinh thần phấn chấn, ảnh hưởng đến giấc ngủ, thậm chí gây mất ngủ, đặc biệt là trà xanh mới hái thì tác dụng càng rõ ràng.
Thời gian dùng thuốc: Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không nên uống trà khi đang dùng thuốc.