Những thực phẩm cần hạn chế ở người bệnh suy thận giai đoạn cuối
Khi bị suy thận giai đoạn cuối có nghĩa là thận không còn đủ chức năng để đáp ứng nhu cầu hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm ở người suy thận giai đoạn cuối, người bệnh phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống.
19/03/2023 16:40
1. Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh suy thận
Thận có chức năng chính là lọc máu và chất thải. Thận sẽ lọc các chất thải và chỉ giữ lại protein và các tế bào máu. Chất thải sẽ được tiết ra vào dịch lọc để hình thành nước tiểu.
Khi mắc bệnh thận mạn tính khiến thận mất dần chức năng này theo thời gian. Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Suy thận khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống.
Theo PGS. TS Vũ Đức Định, chuyên gia Hồi sức - cấp cứu, khi bị suy thận, các chức năng này bị mất nên bệnh nhân phải được điều trị bằng các biện pháp thay thế thận như lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng để loại bỏ các độc chất và lượng nước dư thừa trong máu.
Các chất có hại cho cơ thể như ure, creatinin… có nguồn gốc từ việc chuyển hóa các thức ăn và việc ăn uống không hợp lý cũng dẫn đến tăng các chất khác như: muối, kali, phospho và nước dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ở người bị suy thận mạn.
Trong chế độ ăn uống của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lưu ý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều protein vì thực phẩm giàu protein sau khi được chuyển hóa sẽ sinh ure và creatinin. Hai chất này tăng nhanh trong máu sẽ gây độc cho cơ thể.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều phospho, vì có thể làm tăng lượng phospho trong máu ở người suy thận giai đoạn cuối do thận đã mất khả năng đào thải phospho.
Cần điều chỉnh lượng nước vào cơ thể vì khi bị suy thận, chức năng thanh thải nước tự do hay khả năng tạo nước tiểu mất đi. Nước bị dư thừa sẽ góp phần làm tăng huyết áp, phù phổi cấp và phù dưới da, tràn dịch các khoang màng bụng, màng phổi, màng ngoài tim… ở người bệnh suy thận.
2. Hạn chế thực phẩm giàu kali để tránh tăng kali máu
Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào kali để điều chỉnh huyết áp, trương lực mạch máu, chức năng bình thường của insulin và nhiều loại hormone khác, cân bằng axit-bazơ, chức năng thận, cân bằng chất lỏng và điện giải…
Tăng kali máu là thuật ngữ chỉ mức độ kali cao trong máu. Nồng độ kali trong máu cao có thể làm gián đoạn hoạt động của một số hệ thống cơ quan và rất cao có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Bệnh thận là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng kali máu. Thận giúp kiểm soát sự cân bằng của kali trong cơ thể. Nếu thận không hoạt động tốt, chúng không thể loại bỏ kali khỏi cơ thể. Tăng kali máu thường do bệnh thận gây ra, nhưng nó cũng có thể do các bệnh khác gây ra như bệnh tim, đái tháo đường, ung thư và một số loại thuốc nhất định.
Theo PGS. TS Vũ Đức Định, tăng kali máu luôn là một biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở những bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ. Ở người bình thường, lượng kali trong máu dao động trong khoảng từ 3.5 - 4.5 mmol/l và được thận điều chỉnh đào thải ra ngoài rất nhanh qua nước tiểu nếu lượng kali từ thức ăn đưa vào quá nhiều.
Nhưng đối với người bệnh suy thận giai đoạn cuối, chức năng đào thải kali của thận gần như không còn nên rất dễ tăng kali máu, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tiêu thụ quá nhiều kali trong chế độ ăn uống cũng có thể góp phần làm tăng lượng kali trong máu. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều kali.
Các thức ăn chứa nhiều kali bao gồm: cá, động vật có vỏ, thịt đỏ, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa, chất thay thế muối, đồ uống thay thế chất điện giải, đồ uống thể thao…
Nhiều loại rau và trái cây chứa nhiều kali như: bắp cải, su hào, cà rốt, rau bina, cà chua, khoai lang, nấm, măng…; chuối, cam, mơ, lựu, dưa lưới, xoài, bơ, trái cây sấy khô…
3. Tránh dư thừa muối và nước
Ăn mặn thường xuyên khiến cơ thể phải hấp thụ cả lượng muối bị dư thừa, làm huyết áp tăng cao. Khi đó sẽ tạo áp lực cho thận, buộc thận phải làm việc nhiều.
Ở người bệnh suy thận, thận suy đã mất khả năng thải trừ muối qua nước tiểu nên khi bệnh nhân ăn nhiều muối sẽ tích nước gây phù, gây tăng huyết áp, phù phổi cấp, tăng natri máu rất nguy hiểm. Ngoài ra, nếu ăn mặn, người bệnh thường có xu hướng uống nhiều nước hơn khiến nước bị dư thừa nhiều trong cơ thể và phải chạy thận nhân tạo nhiều lần hơn.
Vì vậy, người bệnh cần điều chỉnh lượng nước nạp vào cơ thể khi ăn uống bằng cách ăn nhạt để hạn chế uống nước và kiểm tra cân nặng hàng ngày để đánh giá đúng lượng nước thừa.