Khi con bị cảm thì ho sổ mũi là chuyện không tránh khỏi và không thứ gì có thể làm bé hết ngay lập tức, chỉ có thời gian là có thể chữa lành mọi thứ. Nên tất cả các phương pháp được khuyến cáo chỉ là giúp cho trẻ có thể cảm thấy thoải mái hơn trong thời gian bị bệnh, giảm bớt triệu chứng cho mẹ và trẻ đỡ mệt mỏi.
Những gợi ý dưới đây khi chăm sóc trẻ bị cảm đã được nghiên cứu và khuyến cáo bởi Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP).
Cách chăm sóc trẻ bị cảm
1. Mật ong
Theo một nghiên cứu năm 2008, mật ong Buckwheat hoặc những loại mật ong nguyên chất khác có tác dụng giảm ho trên trẻ em. Cho 1/2 - 1 muỗng cà phê mật ong nguyên chất trước khi trẻ đi ngủ. Mật ong chọn loại càng đậm màu càng tốt.
Không dùng mật ong ở trẻ dưới 12 tháng do nguy cơ bệnh botulism rất nguy hiểm, do một loại vi trùng có thể sống trong mật ong.
2. Nước muối sinh lý và hút mũi
Cách này thực sự chỉ có hiệu quả tốt với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, nhất là khi chuyển sang sổ mũi đặc. Vì đường thở còn nhỏ và không thở miệng nên gây khó khăn cho trẻ khi bú (không biết nên bú hay nên thở) và khó chịu khi ngủ.
Cũng nên nhắc là sổ mũi bao giờ cũng bắt đầu bằng dịch trong và lỏng, sau đó sẽ đặc dần và chuyển sang vàng xanh, không có nghĩa là bệnh nặng hơn.
Ở vùng xa xôi không dễ mua nước muối sinh lý thì cha mẹ lấy ½ muỗng cà phê muối pha với 250 ml nước ấm (sạch) thì dùng được. Nhỏ 3-4 giọt vào mũi trẻ, chờ vài phút rồi hút bằng dụng cụ hút mũi, trước khi cho con bú hay ngủ là được.
Không nên lạm dụng phương pháp này vì thật sự hút xong 1-2 tiếng sau thì đâu sẽ hoàn đấy nên không phải là mũi phải sạch. Chỉ cần hút cho con dễ bú, dễ ngủ thôi. Hút quá nhiều sẽ làm tổn thương sưng nề niêm mạc mũi và gây tác dụng ngược, nghẹt mũi nhiều hơn.
Vừa qua tôi thấy trên mạng có lan truyền cái đoạn video một bác sĩ ở Nga và một bác sĩ nhi ở VN rửa mũi quá bạo lực, tay chấn lên cổ, xịt lấy xịt để nước muối vào mũi, rồi bóp cho xịt thành vòi mặc cho bé khóc la thảm thiết. Tôi coi mà hồi hộp còn hơn coi phim hành động, sợ đứa nhỏ hít sặc vào phổi hay lỡ tay làm chấn thương xương sụn vùng cổ thì xong.
Xin đừng làm như vậy! Không có ai khuyến cáo làm như vậy vì quá nguy hiểm, hơn nữa rửa sạch đến đâu thì vài tiếng sau cũng y như cũ. Đừng tưởng đứa nhỏ không biết nói là không chấn thương tâm lý. Đây chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không phải là thứ thần thánh gì, không nên cuồng.
Trẻ lớn thì hướng dẫn xì mũi, có thể rửa mũi bằng dung dịch nước muối. Chú ý 3 điều: Nước sạch, nước ấm, há miệng thở khi rửa mũi là không sao cả. Rửa mũi bằng dụng cụ chuyên dụng rất có lợi cho những bạn bị viêm mũi dị ứng hay viêm xoang, nên làm ít nhất mỗi ngày, sáng và tối.
3. Thoa dầu vapor rub
Nghiên cứu năm 2010 cho thấy thoa dầu vapor rub có chứa camphor, menthol, eucalyptus oil (tinh dầu khuynh diệp) vào lưng ban đêm trước khi trẻ ngủ có thể làm giảm triệu chứng cho trẻ trên 2 tuổi, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Không bôi dầu vào mũi, miệng như nhiều cha mẹ Việt thường làm. Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
4. Hạ sốt
Hãy hạ sốt đúng cách và dùng thuốc đúng liều cho trẻ khi bị cảm lạnh.
5. Máy xông hơi nước
Máy giúp tạo không khí ẩm trong phòng, đàm nhớt không bị khô, giúp trẻ dễ dàng tống xuất ra khỏi đường thở.
Không cần máy xông nước nóng, dễ gây phỏng, miễn có hơi nước là được. Phương pháp này hay khuyến cáo ở Mỹ do không khí khô, ở Việt Nam ẩm có thể không cần lắm.
6. Uống nhiều nước
Uống đủ nước giúp trẻ không mất nước, đàm nhớt loãng, dễ được tống xuất khỏi đường thở
Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý cho trẻ nằm đầu cao khi ngủ, súc miệng bằng nước muối, uống nước ấm khi chăm sóc trẻ bị cảm. Uống nước lạnh hay ăn kem không gây viêm họng nhưng khi cảm uống nước ấm thì giúp tăng độ ẩm đường thở làm dễ chịu hơn. Một ly trà nóng với mật ong là lý tưởng nhất.
Thuốc cảm ho không có tác dụng ở trẻ dưới 6 tuổi, không uống cũng không làm bệnh nặng hơn hay nhẹ hơn.
Trẻ có phản xạ ho hoàn chỉnh sẽ tự ho để tống xuất đàm và nuốt luôn nên không thấy khạc ra, nồng độ acid cao trong dịch vị dạ dày sẽ thủ tiêu mấy con virus trong đàm nhớt nên cha mẹ không cần phải sợ. Hút mũi chỉ là hỗ trợ, không nên quá lạm dụng.
Khi nào đưa trẻ bị cảm đi khám bác sĩ?
Nên cho trẻ bị cảm đi khám bác sĩ trong các trường hợp sau:
- Trẻ dưới 3 tháng bị sốt
- Trẻ sốt cao 39-40 độ hay sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Khó thở, khò khè, thở rít, thở nhanh, thở co kéo
- Bỏ ăn, bỏ bú
- Tiêu chảy hay ói nhiều
- Nhức đầu nhiều
- Đau họng
- Đau tai kéo dài
- Bứt rứt khó chịu.
Trẻ có thể ho trong giai đoạn này, nhưng cha mẹ lưu ý không nên để con ho nhiều quá.
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng
Khoa Nhi, Bang Texas (Hoa Kỳ)