Đậu bắp hay còn gọi là mướp tây, bắp chà nguồn gốc từ Tây Phi. Quả đậu bắp dáng dài, nhiều hạt bên trong và có độ nhớt. Ngày nay, quả đậu bắp ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, thành một món ăn hằng ngày ở nhiều quốc gia. Không chỉ bởi mùi vị độc đáo có chất nhầy kết dính mà còn bởi giá trị dinh dưỡng vô cùng lớn đặc biệt tốt cho sức khỏe của nó.
Đậu bắp, vỏ và hạt của nó chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, bao gồm hợp chất phenolic và dẫn xuất flavonoid, chẳng hạn như catechin và quercetin. Các nhà khoa học cho rằng những hợp chất này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Đồng thời, chúng cũng có thể có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Công dụng của quả đậu bắp đối với sức khỏe
Chữa táo bón: Đậu bắp có nhiều chất xơ, lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp bằng 10% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Do đó đậu bắp sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Ngoài ra, vitamin A trong đậu bắp cũng góp phần làm cho màn nhầy trong ruột kết thực hiện tốt chức năng của chúng, đó là làm cho việc đi tiêu dễ dàng hơn.
Cải thiện mỡ máu, giảm táo bón: Chất nhầy trong đậu bắp có thành phần là mucin và pectin. Chất nhầy này có thể giữ ẩm cho niêm mạc đường tiêu hóa, pectin là loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng giảm cholesterol, giảm táo bón. Ngoài ra, nó còn giúp ích hoạt tế bào, ngăn ngừa lão hóa tế bào, tăng tốc độ tiêu hóa và hấp thu protein, đồng thời cải thiện chức năng gan và thận.
Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Một số nghiên cứu đã chứng minh các sợi của đậu bắp giúp ổn định lượng đường trong máu. Nó giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và duy trì trạng thái cân bằng đường huyết với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính thời điểm chứ không trị dứt hẳn được tiểu đường.
4 nhóm người không nên “đụng” đến đậu bắp
Người bệnh sỏi thận: Đậu bắp chứa hàm lượng oxalat cao và canxi oxalat là thủ phạm chính gây ra sỏi thận. Thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở những người đã từng bị sỏi thận. Nếu bạn bị sỏi thận, không nên ăn đậu bắp, vì sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về thận. Không chỉ vậy, đậu bắp có thể gây hại ngay cả trong trường hợp sỏi thận và sỏi túi mật. Tốt hơn hết là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa loại rau này vào bữa ăn của mình.
Người có bệnh về máu: Vitamin K hỗ trợ quá trình đông máu và hàm lượng vitamin K cao trong đậu bắp có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu như coumadin (warfarin). Những người dùng thuốc làm loãng máu nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa đậu bắp vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Người bị đau nhức xương khớp: Đậu bắp chứa solanine. Đây là hợp chất độc hại có thể gây đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một số người. Khoai tây, cà chua, cà tím, quả việt quất và atisô cũng chứa solanine. Do đó cần ăn hạn chế những thực phẩm này.
Người dị ứng: Đậu bắp chứa loại protein gọi là Lectin, có thể gây dị ứng ở một số người. Mặc dù hiếm gặp, một số người có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với đậu bắp. Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa, nổi mề đay, ngứa ran trong hoặc xung quanh miệng, khó thở và nghẹt mũi… Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào khi ăn đậu bắp, tốt nhất là không nên thêm loại rau này vào chế độ ăn.