Nghiên cứu được thực hiện trên gần 85.000 người, độ tuổi từ 40 đến 69. Tình nguyện viên đeo thiết bị trên cổ tay cả ngày lẫn đêm trong 1 tuần để theo dõi mức độ tiếp xúc với ánh sáng.

Các tình nguyện viên được theo dõi sức khoẻ trong tối đa 9 năm. Kết quả cho thấy đa phần những người sau này mắc bệnh tiểu đường type 2 đã tiếp xúc với ánh sáng từ 0 giờ 30 đến 6 giờ sáng trong 1 tuần theo dõi.

Kết quả nghiên cứu không chứng minh được mối quan hệ nhân quả, nhưng tiết lộ mối quan hệ phụ thuộc giữa liều lượng ánh sáng mạnh lúc nửa đêm và nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa.

Tiếp xúc ánh sáng nhân tạo vào ban đêm

Những tình nguyện viên trong top 10% tiếp xúc nhiều nhất với ánh sáng ban đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn tới 67% so với những người trong nhóm 50% tiếp xúc ít nhất.

Nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, ánh sáng vàng từ đèn đọc sách hay ánh sáng xanh từ điện thoại thông minh hoặc TV, có thể khiến bạn khó ngủ hơn. Nhưng ngay cả khi các nhà nghiên cứu tính đến giờ giấc và thời lượng ngủ thì kết quả vẫn giữ nguyên. Điều này cho thấy một cơ chế khác dẫn tới kết quả này.

Các yếu tố khác như giới tính, nguy cơ di truyền bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, hút thuốc hoặc uống rượu cũng không ảnh hưởng đến kết quả.

Các tác giả của nghiên cứu kết luận: "Khuyến cáo mọi người tránh ánh sáng ban đêm là một khuyến nghị đơn giản và tiết kiệm chi phí, có thể giảm bớt gánh nặng bệnh tiểu đường type 2 trên toàn cầu".

Bằng chứng mới xuất hiện ở động vật và con người cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo có thể phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến giảm dung nạp glucose, rối loạn tiết insulin và tăng cân - tất cả đều liên quan đến nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như tiểu đường type 2.

 

Nhịp sinh học

Một hạn chế lớn của nghiên cứu là các nhà nghiên cứu không thể tính toán các bữa ăn - yếu tố  có thể ảnh hưởng đến cả nhịp sinh học và khả năng dung nạp glucose. Hơn nữa, một số yếu tố kinh tế xã hội, chẳng hạn như tình trạng nhà ở, chỉ được tính đến ở cấp độ khu vực thay vì cấp độ cá nhân và chỉ những người lớn tuổi mới được xem xét.

Ngoài ra, thực tế là cơ thể mỗi người phản ứng với ánh sáng theo các cách rất khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy cường độ ánh sáng cần thiết để ức chế sản xuất melatonin (hormone giúp điều chỉnh nhịp sinh học) có thể dao động từ 6 - 350 lux.

Tuy nhiên, các thí nghiệm trước đây cho thấy rằng melatonin bị rối loạn và nhịp sinh học bị đảo lộn có thể khiến tuyến tụy tiết ra ít insulin hơn. Đây có thể là một yếu tố góp phần phát triển bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường

Cần có thêm nhiều nghiên cứu nghiêm ngặt hơn để có thể thực sự hiểu được ảnh hưởng của ánh sáng ban đêm đến nhịp sinh học và sức khoẻ chuyển hoá.

Một số nghiên cứu cho thấy, ngay cả một buổi cắm trại cuối tuần không có ánh sáng nhân tạo cũng có thể giúp thiết lập lại nhịp sinh học của một người.

Nghiên cứu được công bố trên The Lancet Regional Health – Europe: https://doi.org/10.1016/j.lanepe.2024.100943