Mía hấp là món ăn độc đáo, nhiều công dụng. Ảnh: Pexels.

Mía là loại cây có tính hàn, không thích hợp với những người tỳ vị hư hàn, rất dễ gây đau bụng. Tuy vậy, sau khi hấp, tính hàn của mía được loại bỏ, trở thành món ăn có tính nhiệt, ai cũng có thể ăn được.

Ngoài ra, khi hấp chín mía, lượng đường trong mía sẽ cô đặc lại, vị càng ngọt hơn. Chất xơ cũng được làm mềm ở nhiệt độ cao, nó không làm tổn thương răng miệng.

Người già và trẻ em nói chung tỳ vị yếu, khả năng tiêu hóa không tốt, nếu ăn mía tươi sẽ gây khó chịu cho cơ thể, nhưng nếu ăn mía hấp thì không lo vấn đề này. Mía hấp có vị ngọt, mọng nước và có tác dụng dưỡng ẩm rất tốt. Mía hấp là món ăn hiệu quả giúp bà bầu tăng sức đề kháng, hạn chế ốm vặt như cảm cúm, sốt.

Cách làm

Bước 1: Lấy 2/3 phần gốc bỏ bớt phần ngọn. Cây mía phải thật trơn mịn, bóng láng, không có chỉ đỏ hay sần sùi. Vì như thế là mía bị ngậm nước, ruột mía cứng và dễ hay lên men chua. Trước tiên, rửa sạch đất, phấn mía bên ngoài và các loại côn trùng, nấm ký sinh. Sau đó, chặt khúc rồi rửa sạch lần nữa.

Bước 2: Lá dứa bỏ gốc rửa sạch xếp vào nồi đổ xấp xấp nước. Mía được chặt khúc ngắn rồi bỏ vào nồi hấp cách thủy với lá dứa đã rửa sạch.

Bước 3: Sau đó đem mía ra bào vỏ. Dùng dao cắt mía thành những khúc nhỏ.

Mía hấp chín ngon thì lóng mía phải mềm xốp, màu vàng ngà, hơi ráo nước, vị ngọt thanh. Hương thơm của lá dứa quyện cùng vị ngọt thanh thanh của mía tạo thành một hương vị thật sự ấn tượng. Món ăn khiến ta bỗng chốc nhớ về những ngày xưa cũ vẫn hồn nhiên và bình dị của tuổi thơ.

Lưu ý, lượng calo của mía tuy không cao, khoảng 59 kcal nhưng lượng đường lại cao, khuyến cáo những người có vấn đề về đường huyết trong máu không nên ăn.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ 

Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3)