Theo bác sĩ chuyên khoa Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, lá lốt thường được con người sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn.

Theo y học hiện đại, trong 100g lá lốt sẽ có chứa 39 calo, 86,5g nước, 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C. Phần rễ của lá lốt có chứa benzyl axetat và phần lá, thân có chứa còn alkaloid và beta-caryophylen.

Lá lốt chứa nhiều tinh dầu, Alcaloi, flavonoid. Tinh dầu lá lốt có mùi thơm đặc trưng, có chứa nhiều hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, benzylaxetat, piperolotin, piperolotidin, piperlolotinon... Tinh dầu lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và giảm đau.

Alcaloid là nhóm hợp chất có tính bazơ yếu, có khả năng gây ức chế hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương. Lá lốt có chứa các loại alcaloid như piperin, piperidin, piplartin... Alcaloid lá lốt có tác dụng giãn mạch máu, làm ấm cơ thể và trừ phong hàn.

Flavonoid là nhóm hợp chất phenolic có khả năng chống oxy hóa và bắt gốc tự do. Lá lốt có chứa các loại flavonoid như quercetin, kaempferol, apigenin... Flavonoid lá lốt có tác dụng bảo vệ màng tế bào, ngăn ngừa viêm nhiễm và ung thư.

Lá lốt có nhiều tác dụng trong chữa bệnh. Ảnh: Thuocdantoc.

Còn trong y học cổ truyền, theo bác sĩ Vũ, lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Lá lốt được dùng chữa chứng phong, hàn, thấp, tê bại chân tay, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, nôn mửa, tiêu chảy, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng, chảy mồ hôi, chữa đau răng. Lá lốt cũng có thể dùng phối hợp trong thuốc xông để giải cảm.

Lá lốt có nhiều tác dụng trong điều trị khá nhiều bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng cần thận trọng để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn cần tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe dinh dưỡng trước khi sử dụng.