Có nên dùng hộp nhựa trong lò vi sóng?
Đồ nhựa, nhất là đồ dùng chứa thực phẩm, chai nước suối, bình sữa trẻ em,… là đề tài tranh luận gay gắt từ vài năm nay. Giới khoa học e ngại những chất độc hại từ nhựa thôi vào thực phẩm do lưu trữ lâu dài hoặc hâm nóng trong lò vi sóng.
Nhưng giới kỹ nghệ nhựa phản ứng mạnh cũng không kém. Họ đòi hỏi bằng chứng trực tiếp chứ không qua suy luận gián tiếp.
Hai chất đáng sợ trong đồ nhựa
Bản thân nhựa (tùy loại) không phải là điều đáng ngại lắm nhưng phụ gia dùng để chế biến nó mới là vấn đề. Hiện nay, khoa học e ngại nhất 2 loại phụ gia có trong nhựa là bisphenol A (BPA) và phthalates
Bisphenol A được thêm vào để làm nhựa trở nên trong và cứng. Còn phthalates làm nhựa mềm dẻo và có độ bền hơn. Hai chất này được xem là những chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disrupters). Đại khái là chúng có thể giả dạng như hormone của người, làm nhiều bộ phận trong cơ thể hoạt động lung tung lên.
Bisphenol A có thể ảnh hưởng đến phát triển não, làm thay đổi hoạt động của tuyến vú và tuyến tiền liệt, làm trẻ dậy thì sớm, ảnh hưởng đến gan và thận.
Phthalates cũng gây rối loạn tương tự đến hệ sinh dục, làm giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, gây ung thư tinh hoàn.
Trẻ em và thai nhi bị ảnh hưởng nhiều nhất với hai chất gây rối loạn nội tiết này. Phát hiện mới đây của Canada cho thấy BPA và phthalates có thể làm thai nhi sau này dễ bị béo phì và tiểu đường (loại 2).
Từ năm 2008, Mỹ đã cấm sử dụng 6 loại chất phthalates trong đồ chơi trẻ em. Năm 2011, Ủy ban Châu Âu (EC) cấm sử dụng BPA trong các chai nhựa cho trẻ em bú bình.
Khoa học lên tiếng, kỹ nghệ to mồm
Tuy nhiên, giới kỹ nghệ đã phản ứng lại:
Hai chất độc hại đó thôi ra từ nhựa quá nhỏ để gây hại trong điều kiện sử dụng thông thường. Và rằng khi thử nghiệm sản phẩm, các cơ quan an toàn đã tính toán tới tỷ lệ bề mặt tiếp xúc của nhựa với thực phẩm, khoảng thời gian hộp nhựa và thực phẩm ở trong lò vi sóng (microwave) rất ngắn, độ nóng,... Rồi thì đâu có thường xuyên dùng đồ nhựa đựng thực phẩm để hâm nóng trong lò vi sóng, mà cũng đâu ăn đồ hâm nóng đó thường xuyên,…
Rõ ràng là mức thôi chất độc ra không đáng kể. Những loại hộp nhựa hay màng phủ như thế đều được chế tạo từ loại nhựa riêng dùng cho thực phẩm, có ghi “microwave safe” (sử dụng an toàn trong lò vi sóng). Cơ quan an toàn đã kiểm định rồi cơ mà.
Kỹ nghệ nhựa mạnh quá. Đồ nhựa lại rất thông dụng, trong nhà đụng đâu chẳng thấy hàng nhựa. Quả thật, các cơ quan an toàn rất lúng túng.
Cho đến nay BPA và phthalates vẫn chưa bị cấm triệt để, ngoại trừ một vài sản phẩm nhựa dùng cho trẻ em. Trong khi đó, bằng chứng tác hại của 2 chất gây rối loạn này mỗi lúc một nhiều.
Giới khoa học lên tiếng, nhưng giới kỹ nghệ to miệng hơn. Người tiêu dùng chỉ còn nước tự phòng thủ thôi.
Nhựa dùng được: 1-2-4-5
Nhựa thì có muôn vàn loại nhựa. Loại dùng trong thực phẩm tạm chia ra làm 7 loại, đánh số từ 1 đến 7. Những con số này cho biết tên loại nhựa và được đặt trong hình tam giác. Mỗi cạnh của tam giác có dấu mũi tên, là biểu tượng cho biết, nhựa này có thể dùng để tái chế (recyling). Tam giác này không liên quan gì đến an toàn thực phẩm.
Người dùng chỉ cần lưu ý con số:
- Loại số 1 (nhựa PET hoặc PETE): Loại này tương đối an toàn. Loại này thường là chai chứa nước tinh khiết, soda, nước trái cây,… dùng một lần rồi bỏ, nhưng có thể dùng lại để đựng nước uống. Nhưng nếu bị trầy xước thì nên bỏ.
- Loại số 2 (HDPE): Thường dùng làm bao bì cho sản phẩm đông lạnh, bình nước, tương đối an toàn.
- Loại 3 (PVC): Không an toàn, loại này có BPA và phthalates.
- Loại 4 (LDPE): Tương đối an toàn, thường dùng làm bao bì cho sản phẩm đông lạnh, chai đựng gia vị như tương đỏ, tương đen để bóp do nhựa này mềm.
- Loại 5 (PP): Tương đối an toàn, thường dùng đựng thuốc dạng lỏng do độ bền hóa cao.
- Loại 6 (PS): Tương đối an toàn, nhưng kém hơn loại 1, 2, 4, 5. Loại này thường dùng làm ly chén dĩa dùng một lần rồi bỏ. Không nên dùng lại.
- Loại 7 (PC): Không an toàn vì chứa BPA.
Như vậy, chỉ có loại 1, 2, 4 và 5 là chấp nhận được để đựng thực phẩm.
Những điều cần lưu ý
Nên dùng hộp, tô thủy tinh hay bằng sứ để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Hạn chế tối thiểu dùng hộp nhựa trong lò vi sóng. Nếu kẹt quá phải dùng, cần lưu ý:
Nên dùng loại 2, 4 và 5. Không nên dùng loại xài một lần rồi bỏ (loại 1, loại 6).
Không dùng màng nhựa để phủ hộp, vì vi sóng không làm nóng nhựa, nhưng làm nóng thực phẩm. Nhiệt từ thực phẩm sẽ truyền qua nhựa, độc chất dễ thôi ra.
Không dùng hộp nhựa bị trầy xước để đưa vào lò vi sóng, vì vết trầy dễ làm hóa chất từ nhựa thôi ra. Những túi nhựa đựng thực phẩm ở siêu thị cũng thế.
Ông Vũ Thế Thành là chuyên gia Hóa học, Quản trị chất lượng. Đây là tác giả của một số cuốn sách đã xuất bản liên quan vấn đề dinh dưỡng như Ăn để sướng hay ăn để sợ?, Để ăn không phải băn khoăn.
5 lý do bạn nên bổ sung rau hẹ vào thực đơn hằng ngày
Rau hẹ là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, không chỉ ngon miệng mà rau hẹ còn...
Những loại quả ngon tưởng ‘lành’ nhưng cực hại cho dạ dày nếu ăn sai giờ, đặc biệt có loại...
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, nhưng khi ăn bạn nên có sự chọn...
Điều gì sẽ xảy ra đối với sức khỏe nếu mỗi ngày ăn một quả ổi?
Ổi là loại trái cây phổ biến, có thể sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Vậy điều gì sẽ...
Bánh mì: Món ăn ngon của mọi người nhưng có tác hại khó lường nếu ăn sai cách
Bánh mì ngon, bổ, rẻ là sự lựa chọn tuyệt vời của nhiều người cho bữa sáng bận rộn. Thế...