1. Vì sao người bệnh đái tháo đường type 2 cần lựa chọn các món ăn nhẹ?

Đái tháo đường type 2 là bệnh lý mạn tính làm rối loạn chuyển hóa glucose, suy giảm chức năng tế bào beta của tuyến tụy và kháng insulin.

Tăng glucose trong một thời gian dài sẽ gây ra những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, tổn thương nhiều cơ quan đặc biệt là tim, gan, thận, mắt, thần kinh.

Glucose là một loại đường đến từ thực phẩm cung cấp cho cơ thể nhưng vì insulin không đưa được glucose vào trong tế bào, nên glucose sẽ tích tụ trong máu khiến lượng đường trong máu (đường huyết) tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, do glucose đến từ thực phẩm vì vậy người bệnh đái tháo đường type 2 phải chú ý đến chế độ ăn uống, đặc biệt là lượng carbohydrate. Đó là bởi vì carbohydrate được phân hủy thành glucose trong cơ thể, đi vào máu và khiến lượng đường trong máu tăng lên.

Chọn đồ ăn nhẹ bao gồm protein, chất xơ và chất béo lành mạnh là chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn chặn cơn đói giữa các bữa ăn.

Bơ rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì ít carbohydrate nhưng lại giàu chất xơ.

2. Đồ ăn nhẹ tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường type 2
Khi nghĩ đến đồ ăn nhẹ, ăn vặt, mọi người thường nghĩ đến những món ăn nhiều đường, giàu carbohydrate. Tuy nhiên, có nhiều món ăn nhẹ thân thiện với bệnh đái tháo đường tạo cảm giác ngon miệng mà không làm tăng lượng đường trong máu.

Bữa ăn phụ của người bệnh đái tháo đường giúp tránh hạ đường huyết nguy hiểm sau ăn, tránh dao dộng đường huyết trồi sụt thất thường, giúp người bệnh dễ chịu thoải mái, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số món ăn vặt tốt cho sức khỏe người bệnh đái tháo đường type 2:

2.1 Sữa chua Hy Lạp với quả mọng
Sữa chua Hy Lạp không đường là một món ăn nhẹ tuyệt vời cho bệnh đái tháo đường vì nó giàu protein và tương đối ít carbohydrate.

Một hộp 150g sữa chua Hy Lạp không đường, không béo cung cấp 92 calo, 16,1g chất đạm, 0,6 chất béo, 5,7g carbohydrate. 173mg canxi đáp ứng 13% giá trị hàng ngày.

Kết hợp sữa chua Hy Lạp với quả việt quất, dâu tây hoặc quả mâm xôi có thể tạo thêm vị ngọt tự nhiên cho món ăn nhẹ hấp dẫn này. Các loại quả mọng có ít đường tự nhiên và là nguồn chất xơ dồi dào. Một nửa cốc quả mâm xôi thô cung cấp 4g chất xơ, 7,3g carbohydrate và chỉ có 2,7g đường.

Chất xơ là một phần quan trọng của bất kỳ chế độ ăn kiêng nào, đặc biệt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Bởi vì cơ thể chúng ta không thể hấp thụ hoặc phá vỡ nó nên nó không gây ra lượng đường trong máu tăng đột biến như các loại carbohydrate khác. Chất xơ cũng có thể cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

2.2 Người bệnh đái tháo đường type 2 nên ăn trứng luộc
Trứng luộc là một món ăn nhẹ giàu protein tuyệt vời cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Một quả trứng luộc lớn cung cấp 77,6 calo, 6,3g chất đạm, 5,3 chất béo, 0,6g carbohydrate, 0g chất xơ.

Trứng cũng gây no và có thể giúp giảm lượng calo tổng thể hàng ngày, điều này có thể dẫn đến ổn định cân nặng hoặc giảm cân. Nếu bạn thừa cân, việc giảm cân vừa phải từ 5-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nhu cầu dùng thuốc hạ đường huyết.

Theo Cử nhân Dinh dưỡng Đỗ Át K, Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai: Trong thành phần trứng toàn phần không có tinh bột, vậy nên không làm tăng lượng đường trong máu của người bệnh đái tháo đường. Trong lòng trắng trứng chứa chủ yếu là protein Albumin, là một loại protein huyết thanh quan trọng (chiếm khoảng 60 - 80% tổng số protein trong cơ thể).

Trứng không làm tăng lượng đường trong máu của người bệnh đái tháo đường.

Còn trong lòng đỏ trứng chứa khoảng 5.000-8.000mg Lecithin là một chất chuyển hóa cholesterol trong cơ thể người, hàm lượng lecithin trong lòng đỏ trứng còn cao hơn hàm lượng cholesterol, vì vậy người bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý khác đều có thể ăn được trứng gà.

Cử nhân Dinh dưỡng Đỗ Át K cho biết người bệnh đái tháo đường nên dùng trứng gà ở mức 1 quả/ngày hoặc cách ngày sử dụng 1 quả để đảm bảo được sự đa dạng thực phẩm trong bữa ăn. 1 quả trứng gà chứa thành phần dinh dưỡng tương đương như trong ½ lạng thịt nạc.

2.3 Bỏng ngô
Nếu không ướp muối hoặc rang với bơ, bỏng ngô được coi là món ăn nhẹ làm từ ngũ cốc tốt cho bệnh đái tháo đường. Một cốc bỏng ngô không ướp muối cung cấp 30 calo, 1g chất đạm, 0,34g chất béo, 6,2g carbohydrate, 1,2g chất xơ.

Bỏng ngô có lượng calo thấp, có thể hỗ trợ cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát tổng thể bệnh đái tháo đường type 2. Nó cũng chứa chất xơ, có thể giúp có cảm giác no và tiêu thụ ít calo hơn trong ngày, đồng thời giúp kiểm soát cân nặng.

Vì phần lớn lượng calo trong bỏng ngô đến từ carbohydrate, hãy nhớ đảm bảo ăn đủ khẩu phần và giới hạn ở ba cốc, cung cấp khoảng 18,6g carbohydrate.

 2.4 Một nắm hạnh nhân tốt cho người bệnh đái tháo đường type 2

Hạnh nhân giàu chất dinh dưỡng giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Hạnh nhân là một món ăn nhẹ dễ dàng, giàu chất dinh dưỡng. Nghiên cứu cho thấy hạnh nhân và các loại hạt cây khác có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Hạnh nhân chứa ít carbohydrate, nhiều magiê và chất béo không bão hòa đơn có lợi cho tim. Loại thực phẩm này được cho là giúp thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu. Chúng cũng là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe khác, bao gồm chất xơ, protein, riboflavin và vitamin E.

Một nắm, khoảng 23 quả hạnh nhân, cung cấp 164 calo, 6g chất đạm, 14,1g chất béo, 6g carbohydrate, 3,5 g chất xơ, 76,5mg magiê chiếm 18% giá trị hàng ngày, 0,32mg riboflavin chiếm 25% giá trị hàng ngày, 7,26mg vitamin E, 48% giá trị hàng ngày

2.5 Táo lát và bơ đậu phộng
Những lát táo nhúng bơ đậu phộng là một món ăn nhẹ nhanh chóng và dễ dàng cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Táo và các loại trái cây khác được coi là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp vì hàm lượng đường fructose và chất xơ của chúng. Đường tự nhiên trong táo cũng có thể đáp ứng sở thích ăn ngọt, hạn chế cảm giác thèm ăn.

Một quả táo tươi, cỡ trung bình còn nguyên vỏ cung cấp:

Calo: 94,6
Chất đạm: 0,5g
Chất béo: 0,3g
Carbohydrat: 25,1g
Chất xơ: 4,4g
Kết hợp với một thìa bơ đậu phộng, bạn sẽ có một món ăn nhẹ thân thiện với bệnh đái tháo đường chứa chất béo lành mạnh, chất xơ và protein để thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu.

2.6 Salad cá ngừ
Salad cá ngừ là một món ăn nhẹ giàu chất đạm, tươi mát, chế biến đơn giản bằng cách kết hợp một hộp cá ngừ và sốt mayonnaise. Một hộp cá ngừ 150g cung cấp:

Calo: 121
Chất đạm: 27g
Chất béo: 1,3g
Carbohydrate: 0,1g
Cá ngừ là nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, có thể làm giảm mức chất béo trung tính (một loại chất béo trong máu), chống đột quỵ và giữ cho trái tim khỏe mạnh.

Cá ngừ là nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, có thể làm giảm mức chất béo trung tính.

2.7 Quả bơ
Bơ rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì chúng chứa ít carbohydrate nhưng lại giàu chất xơ. Chúng cũng cung cấp vô số vitamin và khoáng chất và là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh.

Một nửa quả bơ cung cấp 160 calo, 2g chất đạm, 14,7g chất béo, 8,5g carbohydrate, 6,7 g chất xơ. Kết hợp quả bơ với các loại thực phẩm khác cũng có thể giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến. Chất béo và chất xơ của nó mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và làm chậm quá trình hấp thụ các loại carbohydrate trong thực phẩm khác khi ăn cùng lúc.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị những người bị đái tháo đường nên thêm bơ vào khẩu phần ăn. Chất xơ và chất béo lành mạnh trong loại quả này có tác dụng kéo dài cảm giác no và giảm cơn thèm ăn 5 giờ sau đó. Khi cảm thấy no lâu hơn, bạn sẽ ít ăn vặt và tiêu thụ thêm calo. Chất béo không bão hòa đơn cũng có thể giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.

Để có một bữa ăn nhẹ thân thiện với người bệnh đái tháo đường, hãy nghiền nửa quả bơ và phết lên một miếng bánh mì nguyên cám mới nướng. Hoặc có thể sử dụng bơ với các loại rau quả tươi khác để làm món salad.

3. Cần lưu ý
Thời điểm ăn: Bữa phụ cho người bệnh đái tháo đường nên ăn vào xế sáng, xế chiều, cách 3 tiếng sau bữa chính. Bữa khuya cần cân nhắc theo lời khuyên của bác sĩ.

Lượng ăn: Lượng bột đường chỉ bằng 1/3 - dưới 1/2 bữa chính.

Tức là có thể ăn1/3 bát cơm, mẩu khoai luộc/bắp bằng 3 đầu ngón tay, 1 muỗng yến mạch, lúa mạch, diêm mạch, ngũ cốc, 1 quả chuối bé, 1 múi bưởi da xanh, 1/4 quả thanh long, 100-200ml sữa tiểu đường.

Chọn loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và khối lượng lớn, có cảm giác no lâu để giảm cảm giác thèm ăn.

Đồ ăn nhẹ có thể được thưởng thức như một phần của kế hoạch bữa ăn lành mạnh cho bệnh đái tháo đường. Trên thực tế, ăn vặt đôi khi cần thiết để duy trì lượng đường trong máu bình thường. Nên hạn chế thực phẩm chế biến kỹ, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm và đồ uống có thêm đường vì chúng thường ít chất dinh dưỡng và có thể dẫn đến tăng đột biến lượng đường trong máu và tăng cân.