Ở Thanh Hóa có một loại hải sản hình dáng bên ngoài khá giống con cua và đặc biệt có hương vị thơm ngon, hấp dẫn, đó là con khều. Nhiều người nghe tên loài hải sản này sẽ thấy lạ lẫm, nhưng tại nhiều nơi ở Thanh Hóa, khều từ lâu đã là món ăn dân dã, gắn với cuộc sống của người dân.
Khều thường đào hang, lỗ để sinh sống, ẩn nấp, khi có thủy triều rút xuống thì bắt đầu bò lên mặt bùn kiếm ăn và phơi nắng, chỉ cần có tiếng động nhẹ là lập tức lao ngay xuống hang. Để phân biệt với cua đồng, người ta dựa vào các đặc điểm: Thân hình con khều hơi thon dài, các chân có lông bám, phía cuối chân sắc nhọn, màu vàng, hai càng nhỏ có màu trắng bạc…
Con khều có vẻ bề ngoài khá giống con cua, chỉ có người dân địa phương mới phân biệt được
Các xã ven biển ở huyện Hậu Lộc như Đa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc... thường có những bãi bùn trải rộng hàng trăm ha. Khi thủy triều rút xuống, người dân rủ nhau đi bắt con khều về ăn và bán cho nhà hàng hay các thương lái. Loài này rất tinh ranh, chúng di chuyển nhanh hơn cua, khi phát hiện có tiếng động, chúng thường chạy thẳng về hang ẩn náu. Vì thế người dân phải rất am hiểu tập tính của khều mới có thể chặn bắt chúng dễ dàng. Mùa khều thường bắt đầu từ tháng giêng đến tháng chín âm lịch.
Trước đây, khều được coi là món nhà nghèo, người dân ở Thanh Hóa chủ yếu bắt khều về nấu canh cải thiện bữa ăn nhưng những năm gần đây, do được nhiều thực khách yêu thích nên khều dần trở thành món đặc sản. Từ khều có thể chế biến thành các món nấu canh chua, hấp, nướng… tùy vào sở thích từng người.
Trên thị trường, con khều được bán với giá khoảng 80.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Sau khi khai thác, khều được nhập vào các nhà hàng, hoặc đóng gói đi các tỉnh thành, được người dân thành phố ưa chuộng và biết đến như một đặc sản trứ danh ở Thanh Hóa.
Con khều vào mùa từ tháng giêng đến tháng chín âm lịch.
Chị Thanh Nga (ở Đa Lộc, Hậu Lộc) chia sẻ: "Để bắt được con khều phải lặn lội xuống bùn, lần mò theo dấu vết của chúng để tìm ra hang ổ nơi chúng trú ngụ. Nếu may mắn, người dân có thể săn bắt được khoảng 5kg con khều mỗi ngày. Sau đó đem chúng bán lại cho các thương lái, chủ nhà hàng, quán ăn để kiếm lời. Cũng có những hôm thời tiết không thuận lợi, chỉ bắt được 1-2kg.
Việc chế biến khều giống hệt với cua. Thông thường, nhiều người thường dùng khều để nấu canh lá chua, hoặc hấp. Với vị thơm, ngọt và mát, canh khều là món ăn quê dân dã mà mỗi người con vùng biển nơi đây khi xa quê không thể nào quên được".