Ở miền Tây Thanh Hóa có một món đặc sản vô cùng nổi tiếng mà nghe thấy tên thôi nhiều người đã "nổi da gà", đó là con nòng nọc.
Nòng nọc còn có tên gọi khác là bu bu hoặc bâu bâu. Những con nòng nọc này do loài ếch đá trong rừng đẻ vào các tháng mùa mưa thường béo tròn, to bằng ngón tay, khác hẳn nòng nọc dưới xuôi.
Với nhiều người nòng nọc có vẻ kinh hãi nhưng ở miền Tây Thanh Hóa đây là món đặc sản ngon và bổ dưỡng
Anh Khánh (người dân ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chia sẻ: "Hàng năm, cứ sau vụ thu hoạch lúa hè thu và đông xuân, người dân nơi đây lại "săn" nòng nọc. Dụng cụ để săn loài này vô cùng đơn giản, chỉ có rổ tre hoặc rổ nhựa để xúc và dụng cụ giỏ, xô nhựa...để đựng.
Tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hàng năm là thời điểm nòng nọc có nhiều nhất, từng con béo tròn, to bằng ngón tay. Những món ăn từ nòng nọc không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng".
Nòng nọc được bắt ở các cánh đồng, bờ mương
Việc sơ chế nòng nọc cũng không quá khó, sau khi bắt về chỉ rửa qua, rồi dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài rồi cho vào ít muối chà rửa sạch thêm một lần nữa là có thể mang đi chế biến đủ món.
"Có người thích nòng nọng nấu canh với rau rừng, người thì nướng lên thơm phức để làm món nhậu. Nhưng nổi tiếng hơn cả ở Thanh Hóa là nòng nọc om măng rừng. Để làm món này phải chuẩn bị thêm mẻ, hành, mùi tàu. Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tàu lên trên, đợi vài giây là có thể bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu", anh Khánh nói thêm.
Với người dân ở miền Tây Thanh Hóa, các loại thịt gà, vịt, trâu, bò… cũng không thể ngon và bổ dưỡng bằng nòng nọc. Ngoài ra, các đồng ruộng được bà con không sử dụng thuốc hóa học nên nòng nọc rất sạch.
Nòng nọc xào măng rừng từ lâu đã gắn bó với mâm cơm dân dã của người dân địa phương
Ở các chợ quê tại Thanh Hóa, nòng nọc được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Trong nhiều quán ăn, nòng nọc được đưa vào thực đơn nhưng khách du lịch tới đây đều tỏ ra e ngại không dám ăn. Rồi khi lấy hết cản đảm để thử thì sẽ "ghiền" bởi chúng có hương vị riêng, lại còn bổ dưỡng.
Việc thu hoạch những con nòng nọc sẽ di chuyển từ thửa ruộng này qua thửa ruộng khác. Đồ nghề vô cùng đơn giản chỉ cần một cái rổ và các đồ để vợt là có thể bắt được chúng. Sau khi bắt, nòng nọc được đưa về chế biến món ăn hoặc nhập cho các nhà hàng, quán ăn.