Do áp lực cuộc sống, công việc bận rộn nên nhiều người có thói quen ăn ăn uống thất thường. Điều này sẽ tác động đến dây thần kinh nhạy cảm của hệ tiêu hóa, khiến dạ dày rối loạn, trở thành "quả bom hẹn giờ" trong cơ thể, có thể phát bệnh bất cứ lúc nào.
Thói quen ăn uống là chìa khóa để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Những người dù khỏe mạnh hay gặp vấn đề về dạ dày nên lựa chọn các loại thực phẩm cẩn thận để bảo vệ dạ dày hoặc tránh tình trạng bệnh tái phát.
Có rất nhiều người bị bệnh dạ dày sẽ tìm kiếm một số cách để bồi bổ như ăn một số loại cháo bổ dưỡng. Tuy nhiên, không chỉ cháo mới bồi bổ dạ dày mà nhiều loại rau thông dụng trong cuộc sống cũng rất tốt cho dạ dày.
1. Bắp cải
Bắp cải có tính ôn, vị ngọt, không độc, đi vào dạ dày và thận. Bắp cải là một trong những loại rau tốt nhất được Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng. Vitamin K1 và vitamin U có trong nó không chỉ có thể chống lại bệnh viêm loét dạ dày, bảo vệ và phục hồi các mô niêm mạc dạ dày mà còn giữ cho các tế bào dạ dày hoạt động mạnh mẽ và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tiến sĩ nông nghiệp Nhật Bản Keiseko Yoshida từng chỉ ra rằng trong bắp cải có chứa vitamin U mà ở các loại rau khác khó có được, đồng thời có tác dụng phục hồi niêm mạc dạ dày. Vitamin U là một loại axit amin có thể tổng hợp protein, có tác dụng ức chế sự bài tiết axit dịch vị và ngăn ngừa sự mở rộng thêm của bệnh loét dạ dày và hành tá tràng.
2. Bí đỏ
Trong cuốn "Bản thảo cương mục” (từ điển bách khoa về dược vật học) có ghi: “Bí ngô có tính ấm, vị ngọt, vào kinh tỳ và dạ dày, có tác dụng dưỡng trung, dưỡng khí, tiêu viêm, khử trùng, giảm đau". Chất pectin dồi dào có trong nó có thể "hấp thụ" vi khuẩn và các chất độc hại, bao gồm kim loại nặng, chì,..., và có tác dụng giải độc. Đồng thời, pectin có thể bảo vệ dạ dày khỏi bị kích ứng và giảm viêm loét. Cháo hoặc súp bí đỏ có thể dùng để bồi bổ ruột và dạ dày.
3. Cà rốt
Cà rốt có vị ngọt, tính bình, y học Trung Quốc cho rằng nó "bổ tỳ vị, làm mạnh lá lách và cơ hoành, giữ ẩm cho ruột và dạ dày, làm dịu ngũ tạng và có tác dụng tăng sinh lực." Cà rốt giàu chất caroten có thể chuyển hóa thành vitamin A có tác dụng cải thiện thị lực, dưỡng tâm, tăng cường sức đề kháng, phòng và chữa các bệnh về đường hô hấp.
Carotene tan trong chất béo, thích hợp nhất để hầm với thịt, ăn sẽ ngon hơn.
4. Rau chân vịt
Theo Đông y, rau chân vịt (rau bina, cải bó xôi) có vị ngọt, tính mát, có thể dưỡng gan, lợi ruột và dạ dày, giảm táo bón. Rau chân vịt có lợi cho năm cơ quan nội tạng, cải thiện đường ruột và dạ dày, đồng thời giải trừ độc tố của rượu, giúp đại tiện dễ dàng.
Tuy nhiên, rau chân vịt chứa nhiều axit oxalic, cản trở sự hấp thụ canxi, bạn nên tránh ăn kèm với các thực phẩm giàu canxi như đậu phụ, rong biển hoặc luộc sơ qua trước khi nấu để loại bỏ axit oxalic.
5. Khoai lang
Khoai lang tính bình, vị ngọt, bổ tỳ, dưỡng khí, dễ tiêu hóa. Đồng thời, khoai lang chứa nhiều dưỡng chất giúp cải thiện sức khỏe dạ dày. Cụ thể trong khoai lang chứa các chất như tinh bột, chất xơ, canxi, protein, vitamin, β-caroten, potassium… Qua đó giúp phục hồi và bảo vệ lớp niêm mạc, chống viêm và giảm căng thẳng cho dạ dày.
Vì chứa nhiều chất xơ nên khoai lang có thể thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón hiệu quả và giảm tỷ lệ ung thư trực tràng và ung thư đại tràng.