Một nghiên cứu trên tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu cho hay tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường của người trưởng thành trên toàn cầu là 1 trên 11, trong đó 90% mắc bệnh tiểu đường loại 2. Và hầu như tất cả bệnh nhân tiểu đường loại 2 đều gặp biến chứng tim mạch.
May mắn là các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tập luyện thể chất thường xuyên có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu và sức khỏe tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có bảy yếu tố sức khỏe và lối sống có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và hoạt động thể chất là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu khác trên Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu có công bố tương tự: Tập luyện thường xuyên là cách giảm mức đường trong máu của những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bác sĩ Shashank R Joshi, Chủ tịch viện nghiên cứu bệnh tiểu đường tại Ấn Độ giải thích: Khi tập thể dục, lượng đường trong máu sẽ giảm đi vì lúc đó glucose được vận chuyển đến khắp các cơ quan trong cơ thể để hỗ trợ cơ vận động. Nếu đang bị tiểu đường, người bệnh nên tập các bài tập aerobic và tăng cường hoạt động cơ bắp.
Yoga được biết đến như một phương pháp luyện tập có hiệu quả tích cực đối với huyết áp, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Yoga giúp cải thiện đường huyết và mức lipid, những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát căn bệnh này.
Dưới đây là 10 tư thế yoga sẽ giúp bạn điều hòa lượng đường trong máu.
1. Tư thế đứng trên vai (Sarvangasana)
Tư thế yoga này giúp cân bằng hoạt động của tuyến tụy - là tuyến quan trọng trong hệ nội tiết, kiểm soát các tuyến khác, kiểm soát nhịp tim.
Để thực hiện tư thế yoga này, đầu tiên bạn nằm ngửa xuống sàn, hai tay đặt xuôi theo hông. Sau đó, cố gắng nâng thẳng chân lên cao, tay đặt dọc theo lưng và hông để hỗ trợ lực, giữ trọng lượng cơ thể trên vai; đặt khuỷu tay chạm vào sàn để đảm bảm giữ lưng thẳng. Không nên tập tư thế này nếu bạn đang có vấn đề về cổ hoặc cột sống.
2. Tư thế ngồi gập mình (Paschimotasana)
Động tác yoga này giúp máu chảy về mặt và đầu, hỗ trợ tích cực cho những người bệnh tiểu đường và giảm glucose trong máu.
Để thực hiện tư thế ngồi gập người, đầu tiên ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng, với ngón tay cái và ngón tay trỏ chạm ngón chân cái của bàn chân.
Sau đó cố gắng chạm trán vào đầu gối bằng cách cúi người về phía trước, vừa cuối xuống vừa thở ra. Giữ tư thế này trong năm giây, sau đó hít vào từ từ, đồng thời trở lại tư thế ngồi ban đầu.
Người đang đau lưng không nên tập động tác này.
3. Tư thế cây cung (Dhanurasana)
Tư thế chuẩn bị: Nằm sấp xuống sàn, giữ hai chân rộng ngang hông, ha tay xuôi theo chân. Sau đó nhẹ nhàng gập đầu gối, hai tay giữ mắt cá chân.
Hít vào từ từ, nâng ngực và kéo chân lên cao. Giữ nguyên tư thế, lúc này cả cơ thể bạn lúc này như một cây cung. Hạ chân và ngực xuống đất khi thở ra. Đừng tập tư thế này khi mức huyết áp bạn không ổn định.
4. Tư thế vặn cột sống (Ardha Matsyendrasana)
Tư thế chuẩn bị: Giữ cho cột sống thẳng, hai chân bắt chéo khi ngồi. Nâng và bắt chéo chân trái, đặt gót chân trái bên cạnh hông phải của bạn; đồng thời đưa chân phải đặt dưới gối trái.
Đặt bàn tay phải ra phía sau và tay trái đặt lên đầu gối phải, sau đó xoay thắt lưng, vai và cổ qua bên phải và nhìn qua vai phải. Nếu bạn có vấn đề về lưng, bạn cần có sự hưỡng dẫn của huấn luyện viên.
5. Tư thế xoay eo Chakrasana
Động tác yoga này bắt đầu bằng tư thế nằm ngửa và gập gối, chân để sát hông. Cố gắng xoay đầu gối sang trái đến khi đầu gối tiếp xúc với mặt đất.
Bình thường, nếu để gối tiếp xúc với mặt đất như vậy, xương vai của chúng ta sẽ nhấc lên, nhưng ở động tác này bạn cần phải kiểm soát để vai luôn tiếp xúc với mặt sàn. Không thực hiện tư thế này có vấn đề hoặc thương tổn ở cột sống.
6. Tư thế cái cày (Halasana)
Đây là động tác yoga giúp cải thiện hệ tiêu hóa và kiểm soát lượng hormone trong cơ thể.
Nằm ngửa trên sàn, hai tay xuôi theo chân và gập đầu gối để bàn chân đặt phẳng trên sàn. Dùng tay chống vào hông, hỗ trợ nâng hông lên và từ từ đưa chân vươn qua đầu cố gắng chạm vào sàn, hai bàn tay đặt úp trên sàn.
Nếu bạn bị rối loạn gan hoặc lá lách, nên tránh tư thế này.
7. Tư thế sấm sét (Vajrasana)
Động tác này là một trong những tư thế yoga đơn giản nhất giúp lượng đường trong máu nằm trong tầm kiểm soát.
Bắt đầu bằng động tác quỳ xuống sàn, 2 bắp đùi và 2 lưng bàn chân sát xuống sàn, mông đặt trên hai gót chân. Sau đó, đặt tay lên hai đầu gối, lòng bàn tay úp xuống, giữ xương sống thẳng, và khuôn mặt hướng lên, hít thở sâu với tốc độ ổn định.
8. Tư thế em bé (Balasana)
Với động tác Yoga này, bạn cần ngồi trên gót chân và để trọng lực trên đầu gối. Mở rộng đầu gối và hông, gập người về trước giữa 2 đùi, đặt bụng lên đùi và thở ra, duỗi thẳng hai tay về phía trước để kéo dài lưng.
Vì đây là tư thế nghỉ ngơi, bạn nên giữ nhịp thở bình thường. Nên tránh thử tư thế yoga này nếu bạn đang mang thai, bị chấn thương đầu gối hoặc đang bị tiêu chảy.
9. Tư thế cây cầu (Setubandhasana)
Đầu tiên, bạn cần nằm thẳng lưng trên sàn, tay để dọc theo hông và gập gối cho lòng bàn chân phẳng trên sàn nhà.
Từ từ nâng cơ thể lên bằng lực chân sao cho đầu và cổ luôn phẳng trên sàn, có thể dùng lực tay để hỗ trợ thêm. Đây không phải là tư thế dành cho những người bị thương ở cổ hoặc lưng.
10. Điều khí (Pranayam)
Phương pháp điều khí Pranayam giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể.
Để thực hiện, bạn ngồi trên thảm yoga bắt chéo chân và duỗi thẳng lưng. Để đầu thẳng, mặt hướng về trước, cằm song song với sàn, đặt hai tay lên đầu gối sao cho lòng bàn tay hướng lên trên. Sau đó nhắm mắt lại, hít sâu và thở ra từ từ.
Nguồn: https://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/regular-workout-the-magic-potion-for-your-heart-and-shooting-blood-sugar-levels-diabetes-cardiovascular-health-yoga/