"Chết đứng" với xét nghiệm ung thư
Trước “đại dịch” ung thư, nhiều bệnh viện đã xây dựng các gói tầm soát sớm ung thư trong đó xét nghiệm máu phát hiện ung thư là những gói khám khá hot và nhiều bệnh viện thực hiện.
Tại Hà Nội, có bệnh viện còn quảng cáo chỉ cần 1 mẫu máu có thể xét nghiệm tới 15, 16 bệnh ung thư cùng lúc. Điều này khiến nhiều người tin rằng chỉ cần lấy máu họ sẽ tìm được bệnh ung thư từ trong "trứng nước". Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi việc lấy máu xét nghiệm ung thư đang trở thành “chiêu bài” thương mại của nhiều bệnh viện, phòng khám.
Anh Đỗ Văn Hải (31 tuổi, quê Hà Nam) thấy người mệt mỏi nên đi khám bệnh. Tại một bệnh viện, anh Hải khám và xét nghiệm chỉ số AFP của gan. Kết quả xét nghiệm AFP của anh Hải lên tới 67 UI/ml.
Ngay lập tức, anh Hải bị chẩn đoán nghi ngờ ung thư gan. Vừa mới làm bố trẻ được vài tháng, khi nghe tới ung thư gan, anh Hải đã ngã quỵ và khóc. Vợ anh Hải ngất ngay tại phòng khám. Cả hai vợ chồng bối rối không biết làm gì.
Khi sang Bệnh viện K kiểm tra lại lần nữa, kết quả xét nghiệm AFP vẫn cao và bác sĩ cho siêu âm gan. Kết quả, gan trong, sạch không có khối u nào và kết quả AFP này được bác sĩ tư vấn đó chỉ là cách tìm dấu ấn ung thư và nó có tỷ lệ dương tính giả rất cao.
Thở phào nhẹ nhõm, vợ chồng anh Hải chia sẻ sẽ mổ lợn ăn mừng. Tuy nhiên, sau 48 giờ được chẩn đoán ung thư gan qua AFP cả gia đình anh cuộc sống đảo lộn. Anh khóc vì thương vợ con, bố mẹ anh khóc vì thương con còn quá trẻ.
Trường hợp của Đào Thanh Hồng (24 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ). Hồng chuẩn bị đi du học nên đi khám sức khoẻ tổng quát. Khi khám, Hồng có chỉ số dấu ấn ung thư CEA cao đột biến CEA = 29 ng/ml, bác sĩ nghi ngờ ung thư đại trực tràng. Chỉ là nghi ngờ nhưng cái tin ung thư cũng khiến cô gái trẻ chết đứng. Ngay sau khi cầm tờ kết quả xét nghiệm, Hồng gọi điện cho bố mẹ chỉ khóc vì không nghĩ ung thư gõ của mình sớm như thế.
Sau đó, bố mẹ Hồng từ Việt Trì xuống đưa con sang các bệnh viện khác để kiểm tra lại. Kết quả lại khác chỉ số CEA thấp còn 4 ng/ml. Đây là chỉ số bình thường và thực hiện nội soi đại trực tràng không có dấu hiệu gì của u, của polyp. Gia đình Hồng đã quay trở lại kiện bệnh viện kia nhưng được giải thích là nghi ngờ dấu ấn ung thư. Hoàn toàn khác với những gì vị bác sĩ trước đó đã doạ Hồng.
PGS.TS Lê Văn Don, Chủ nhiệm khoa Miễn dịch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết xét nghiệm CEA là một kháng nguyên có ở tế bào ruột của thai nhi và khi trưởng thành thì chỉ còn nồng độ rất thấp ở trong máu. Khi bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt các ung thư tế bào biểu mô, nồng độ CEA tăng lên. Các ung thư dạ dày, ruột, vú, phổi, tuyến tuỵ... thường có tăng CEA. Bình thường nồng độ CEA là 0-5 ng/ml.
Tỷ lệ các bệnh nhân ung thư có tăng CEA > 5 ng/ml tuỳ theo các phủ tạng khác nhau nhưng thường dao động từ 50-70%.
Tuy nhiên trong một số bệnh lý không phải ung thư nhưng nồng độ CEA cũng tăng: Bệnh lý dạ dày ruột (polyp, viêm ruột loét, bệnh Crohn), bệnh phổi (khí phế thũng, viêm phế quản mạn), bệnh gan (viêm đường mật, viêm gan mạn tiến triển, xơ gan do rượu), viêm tuyến vú mạn tính, viêm tuỵ mạn. Những người hút thuốc, nồng độ CEA tăng nhưng ít khi vượt quá 10 ng/ml.
Xét nghiệm máu có phát hiện sớm ung thư?
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California (Mỹ), Cố vấn khoa học của tổ chức phi chính phủ Ruy Băng Tím, các xét nghiệm máu hay còn gọi là sinh thiết lỏng có thể phân tích được các thành phần của tế bào bướu như DNA, RNA, protein, exosome hoặc cả tế bào bướu trong các dịch khác nhau của cơ thể như máu, nước tiểu, dịch não tuỷ hoặc nước bọt. Việc thu nhập những chất dịch cơ thể này thường đơn giản, ít xâm lấn và dễ thực hiện nhiều lần so với sinh thiết mô.
Các công nghệ ngày càng phát triển cho phép phân tích các phân tử tế bào và các sản phẩm khác của khối u ngày càng đầy đủ, chính xác hơn.
Tuy nhiên, hiện nay công nghệ này hầu hết chủ yếu được sử dụng để theo dõi sự phát triển, đáp ứng thuốc của khối u trong điều trị. Còn trong phát hiện sớm ung thư, đây chỉ mới được xem là phương pháp tiềm năng cho việc sàng lọc ung thư trong tương lai. Nguyên nhân do các xét nghiệm này đôi khi có kết quả dương tính giả, nghĩa là phát hiện dấu hiệu ung thư ngay cả khi không có ung thư.
Hơn nữa, xét nghiệm này có thể sẽ phát hiện sớm các khối u phát triển chậm hoặc không phát triển dẫn đến việc điều trị quá mức. Do đó, việc sử dụng sinh thiết lỏng như phương pháp chẩn đoán ung thư vẫn chưa được chấp thuận và cần thêm thời gian nghiên cứu thêm để tăng độ tin cậy.