Phi công là một trong những ngành nghề rất hấp dẫn đối với giới trẻ vì có nhiều yếu tố: tính chất công việc đặc thù, môi trường hiện đại, mức lương hấp dẫn. Đó còn chưa kể đến việc để được chính thức điều khiển một chuyến bay, bạn còn phải mất khá nhiều thời gian học tập, nghiên cứu và trải nghiệm nữa.
Bỏ dở tấm bằng đại học để đi học phi công học phí tiền tỷ
Mạch Thị Thùy Khanh (SN 1996) từng là sinh viên của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Trải qua 3 năm học đầu tiên, cô nàng cảm thấy áp lực khi những người bạn cùng lớp càng ngày giỏi giang, sáng tạo trong khi bản thân lại không hề tiến bộ. "Mình trải qua những năm tháng đại học, cũng đã đi làm được 1-2 năm, buôn bán nhiều thứ. Nhưng đến một lúc, mình nhận ra mọi người xung quanh quá giỏi.
Ngành nghề của mình cần sự sáng tạo và biến đổi không ngừng nhưng bản thân mình lại không tốt lên tí nào. Deadline, deadline và deadline, mình bị rượt đuổi trong chính cuộc sống của mình. Suy nghĩ trở thành tiếp viên hàng không ngày xưa quay trở lại. Rồi mình nhận ra làm phi công sẽ có view làm việc đẹp hơn, nên mình đã quyết định chuyển ngành".
Sau đó, cô nàng đã nghe theo tiếng gọi đam mê để đi học phi công với học phí lên đến 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng). Khi hoàn thành khóa học kiến thức phi công cơ bản ở Việt Nam, cô nàng sang Mỹ du học ở trường Đại học Aviator. Ở bên đây, Thùy Khanh sẽ cần học 3 bằng là: Phi công tư nhân, Bằng bay thiết bị và Phi công thương mại.
Sau 1 năm học tập, hiện tại Thùy Khanh đang là cơ phó huấn luyện của hãng Pacific Airlines. Nếu tính theo giờ bay, Khanh đã bay được hơn 300 giờ, chuyến bay dài nhất là ở Mỹ kéo dài 5 tiếng.
Theo đuổi ngành nghề phi công vốn dành cho con trai lại có học phí cực khủng, Thùy Khanh từng nhận không ít cái nhìn nghi ngờ. Tuy nhiên đến hiện tại, cô bạn không hề cảm thấy hối hận trước quyết định của mình. Với nữ sinh để được du học ngành này, gia đình đã trở thành điểm tựa cả về tinh thần lẫn vật chất rất nhiều nên Mạch Khanh sẽ cố gắng không bao giờ cho phép bản thân dễ dàng từ bỏ.
‘Mình chưa từng hối hận với quyết định học phi công nhưng cũng băn khoăn rất nhiều. Vì để cho mình được theo đuổi ước mơ điều khiển được 'con chim sắt khổng lồ' này, nói vui là làm chủ bầu trời thì cả nhà cũng đã phải gồng gánh vất vả rất nhiều cho mình. Có thể nói hiện tại mình là 'gánh nặng' của gia đình, cũng hơi ích kỉ vì mình mà cả nhà phải vất vả. Nên mình cố gắng với quyết định này để không làm phụ lòng mọi người’ - Thùy Khanh tâm sự.
Diệu Thúy - nữ diễn viên chi 6 tỷ để học phi công
Nguyễn Trần Diệu Thúy, 32 tuổi từng công nhận là nữ phi công duy nhất trong một hãng hàng không mới mở của Việt Nam. Trước đó cô từ bỏ cơ hội lái máy bay tư nhân ở Pháp để về Việt Nam theo đuổi mục tiêu lái máy bay thương mại, điều đó đồng nghĩa với việc cô và người chồng mới cưới - hiện kinh doanh ở Pháp - sẽ có rất ít thời gian bên nhau.
Gửi hồ sơ "chơi" vào một hãng hàng không của UAE, không ngờ một tuần sau cô được gọi đi phỏng vấn và ngay sau đó trúng tuyển. Cô gái Việt 24 tuổi trở thành tiếp viên cho hãng hàng không Etihad Airways và được thực hiện ước mơ đi du lịch đến nhiều nơi trên thế giới, được rèn tiếng Anh mà cô đã âm thầm học nhiều năm qua.
Để chinh phục mục tiêu này, trước tiên Thúy phải tích lũy tài chính, mỗi tháng cô để dành ra 3.000 - 3.500 đôla, phần lớn số lương của mình.
Tháng 6/2016, có trong tay 2,5 tỷ đồng từ tiền tiết kiệm sau 2,5 năm làm tiếp viên và phần nhỏ từ thời làm diễn viên, Thúy về nước thực hiện ước mơ - cũng là canh bạc đầy rủi ro ở lứa tuổi không còn trẻ này.
Anh Thư chi số tiền “khủng” để thỏa khát vọng chinh phục bầu trời
Nguyễn Anh Thư quê ở Phú Yên, lớn lên ở Tuy Hòa, Phú Yên, tại một ngôi làng nghèo không có điện, Anh Thư hiểu rằng các phụ nữ và bé gái phải đối mặt với nhiều trở ngại, thiếu thốn và ước mơ được bay cao với họ là rất xa vời. Cô may mắn khi được theo học cấp một và cấp hai tại một ngôi trường do UNICEF tài trợ, sau đó sang Mỹ sinh sống từ năm 12 tuổi.
Anh Thư mất 10 năm vượt qua nhiều thử thách để cuối cùng trở thành phi công lái máy bay tư nhân và năm 2017 trở thành hướng dẫn viên bay của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay (AOPA), đào tạo hàng trăm phi công và được cấp bằng lái máy bay thương mại cỡ lớn.
Cô hiện là nghiên cứu sinh ngành Hàng không Vũ trụ tại Học viện Công nghệ Georgia hàng đầu của Mỹ.
‘Giấu được 6 tháng thì ba mẹ phát hiện con gái quyết tâm theo đuổi ngành bay, họ không cấm cản cũng không ủng hộ mà lờ đi cho tôi làm theo ý thích. Tôi dạy kèm chỉ được 5 - 6 USD (hơn 140 nghìn đồng) mỗi giờ nhưng trường bay học phí rất đắt, khoảng 200 - 300 USD/giờ (tương đương tầm 4,6 - 7 triệu đồng mỗi giờ). Vì vậy tôi đi làm 1 tuần mới đủ học bay 1 lần. Mỗi bằng bay chi phí hết khoảng chừng 500 triệu đến 1 tỷ đồng, chi phí rất đắt’. - Anh Thư chia sẻ những khó khăn trong quãng thời gian đầu theo đuổi đam mê.