Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa mổ lấy thai thành công mẹ tròn con vuông cho một thai phụ 33 tuần tuổi bị sản giật.
Chị H vào bệnh viện phụ sản Hà Nội sau khi đã được các bác sĩ tuyến dưới sơ cứu đặt nội khí quản, bóp bóng. Khi đó, huyết áp của chị H là 150/100mmHg, tuy nhiên khi xuống xe cấp cứu, huyết áp tăng nhanh đến 200/140mmHg, tim thai 130 lần/phút. Chị H. trong trạng thái kích thích, giãy giụa, phù toàn thân, phù não, protein niệu.
Gia đình sản phụ cho biết, trước đó chị H thường khám thai tại phòng khám tư nhân, có phát hiện bị tăng huyết áp nhưng chị H không điều trị.
Đánh giá đây là một ca sản giật nặng nên ngay lập tức, chị H được chỉ định sử dụng thuốc để giảm kích thích phòng cơn co giật tiếp theo, sau đó dùng thuốc hạ huyết áp bằng đường tĩnh mạch.
Để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi nên ngay sau khi kiểm soát được cơn co giật của sản phụ, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quyết định mổ lấy thai. Lúc này, huyết áp của chị H được kiểm soát liên tục bằng đường tĩnh mạch.
Sau khi mổ lấy thai, bé trai nặng 1,8kg được chuyển ngay xuống Khoa Sơ sinh để được chăm sóc. Chị H tiếp tục được thở máy, chống phù não và kiểm soát huyết áp.
72 giờ sau khi mổ, chị H dần tỉnh táo, chuyển từ thở máy sang thở ô xi rồi tự thở. Sau 6 ngày điều trị tích cực, chị H đã hoàn toàn tỉnh táo, không còn tình trạng phù, huyết động ổn định, các chỉ số xét nghiệm đều về ngưỡng bình thường. Hiện tại, cả sức khỏe của mẹ và bé đã hoàn toàn ổn định.
Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai nguy hiểm như thế nào?
Theo TS.BS Đinh Thúy Linh - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiền sản giật là một bệnh lý tương đối phổ biến với các triệu chứng: Tăng huyết áp; Protein trong nước tiểu; Phù. Tiền sản giật và các biến chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi như: sinh non, thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ.
Tăng huyết áp là dấu hiệu hay gặp nhất và sớm nhất, có giá trị chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng. Huyết áp càng cao thì tiên lượng tiền sản giật càng nặng. Nước tiểu để xét nghiệm protein niệu phải được lấy mẫu trong 24 giờ mới chính xác do độ protein niệu có thể thay đổi nhiều trong 24 giờ.
Bệnh thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Cứ 100 người mang thai sẽ có 2 đến 8 người mắc tiền sản giật.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ bị tiền sản giật thường không có triệu chứng rõ rệt, tuy vậy tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh. Các trường hợp tiền sản giật có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời.
Dự phòng tiền sản giật, các thai phụ cần lưu ý:
Cũng theo TS. BS Đinh Thúy Linh, hiện nay bệnh lý này có thể được sàng lọc và dự phòng. Việc sàng lọc tiền sản giật ngay từ tuần 11 - 14 của thai kỳ sẽ giúp phát hiện các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao và điều trị dự phòng, ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm sự khởi phát của tiền sản giật, nhờ đó quá trình mang thai có thể tiếp tục một cách an toàn và thai nhi sẽ có thời gian để phát triển.