Trứng vịt lộn là một trong những món ăn vặt giàu dưỡng chất được bày bán rất phổ biến ở những gánh hàng rong. Bên cạnh các món xôi chè cháo ban chiều, trứng vịt lộn là món ăn được nhiều người săn lùng. Nhiều người gầy cũng tìm đến món ăn này với hy vọng cải thiện cân nặng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn trứng vịt lộn và nếu ăn sai cách có thể thành biến món ăn bổ dưỡng này thành 'thuốc độc'.
Những người tuyệt đối không nên ăn trứng vịt lộn
Người mắc bệnh tim mạch: Trứng vịt lộn chứa một hàm lượng chất đạm và cholesterol trong trứng vịt lộn rất cao, nếu ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu gây hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch gây đột quỵ. Vì thế, lời khuyên cho những người mắc bệnh tim mạch là không nên ăn trứng vịt lộn.
Người bị huyết áp cao: Những người có bệnh cao huyết áp cũng nên kiêng hoặc không ăn nhiều vì có thể sẽ làm tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Người mắc bệnh về gan, tỳ vị: Tỳ vị và gan có nhiệm vụ sàng lọc chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng bị tổn thương lượng đạm từ trứng vịt lộn sẽ khiến chúng phải hoạt động hết công suất, khiến tổn hại lại càng lớn hơn. Bên cạnh đó trứng vịt lộn có tính hàn sẽ khiến người bệnh gan và các bệnh tỳ vị dễ đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là bị đau bụng.
Người đang bị sốt: Protein trong trứng lộn đi vào cơ thể sẽ bị phân huỷ và sinh ra nhiệt lượng cao hơn 30% so với bình thường, chính vì thế những người đang sốt ăn trứng sẽ khiến nhiệt độ cơ thể càng tăng cao, dễ gây co giật và biến chứng lên não.
Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai không nên ăn trứng vịt lộn kèm rau răm sống. Rau răm tiêu thực, trừ hàn, sát trùng, ấm bụng, chống đầy bụng khó tiêu… cho người bình thường nhưng sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Gừng tươi nóng, kích thích tiêu hóa, giải độc, tốt cho tim mạch… nhưng có thể gây sảy thai đầu thai kỳ nếu cơ địa yếu, dây chằng lỏng lẻo.
Không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn trứng vịt lộn: Trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của bé ở giai đoạn này còn chưa phát triển hoàn thiện, dễ gây trướng bụng, rối loạn tiêu hóa, có hại cho sức khỏe. Với những bé trên 5 tuổi thì chỉ nên cho ăn 1/2 quả trứng vịt lộn mỗi lần. Mỗi tuần từ 1 đến 2 lần là đủ.
Ngoài những đối tượng trên nện tránh xa trứng vịt lộn thì khi ăn món này, mọi người cũng nên lưu ý những điều sau đây.
Ăn trứng vịt lộn vào thời điểm thích hợp: Người Bắc thường ăn trứng lộn vào buổi sáng còn người Nam thì ăn vào buổi tối. Thế nhưng theo chuyên gia thì buổi sáng là tốt nhất vì đây là món khó tiêu có thể gây ra khó chịu, đầy hơi.
Không ăn trứng vịt lộn đã chín để qua đêm: Trứng vịt lộn đã chín sau để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sẽ sản sinh ra vi khuẩn có hại.
Không ăn trứng vịt lộn khi không có rau răm: Theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm hắc, có tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng nên ăn kèm trứng lộn rất tốt.
Không ăn quá 2 quả trứng vịt lộn/tuần: Không chỉ trong một tuần mà nhiều người còn có thói quen ăn trứng vịt lộn mỗi ngày. Thế nhưng, đây lại là thói quen không tốt cho sức khỏe. Nếu ăn nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây ra các vấn đề về bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, ăn trứng vịt lộn quá nhiều bạn cũng sẽ gặp phải tình trạng bị dư thừa vitamin A.