TS.BS Phan Bích Nga - Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hầu hết bệnh đường hô hấp do tác nhân gây từ bên ngoài xâm nhập vào theo đường không khí.
Trong khi đó không khí lại tồn tại nhiều vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh. Mặt khác, nhiệt độ thấp là điều kiện rất thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng, phát triển nhanh chóng.
Mùa lạnh, hệ hô hấp là cơ quan có nguy cơ bị tấn công đầu tiên. Các bệnh về đường hô hấp thường gặp là cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi họng cấp, nhưng nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng thành bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Bên cạnh đó, nhóm bệnh hay gặp khi thời tiết thay đổi đó là bệnh dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, bệnh liên quan đến các tác nhân dị ứng, virus.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, người cao tuổi và trẻ nhỏ là hai nhóm dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn bởi có sức đề kháng kém. Với trẻ em, những chứng bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, tiêu chảy do rotavirus là thường gặp nhất.
Ở người cao tuổi, trời trở lạnh sẽ dễ tái phát một số bệnh mạn tính như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những bệnh này rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy hô hấp cấp tính. Nếu cấp cứu không kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Theo TS.BS Phan Bích Nga, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh bệnh tật nói chung và bệnh đường hô hấp nói riêng. Ăn đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng sức đề kháng đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường.
"Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc ăn đủ 4 nhóm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, và nhóm rau xanh, quả chín", bác sĩ Nga nói.
Trong đạm động vật có rất nhiều protein giúp tham gia miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy, nên cung cấp đủ, cân đối chất đạm sẽ phòng bệnh tốt nhất. Đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như cá, tôm, trứng, thịt đỏ.
Bên cạnh đó, cần chú ý bổ sung Vitamin cho cơ thể. Vitamin có nhiều trong những loại rau củ có mầu sắc đậm như: rau có màu xanh, quả màu đỏ, vàng.
Riêng đối với phòng bệnh hô hấp, cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin A, giúp tăng cường tế bào biểu mô của hệ hô hấp, tăng cường chất dịch nhày của hệ hô hấp.
Những chất dịch nhày này ngăn ngừa sự tấn công của vi trùng, vi khuẩn. Vitamin A trong các loại rau màu xanh thẫm, quả màu đỏ, vàng như đu đủ, dưa hấu, quả hồng, cà chua, rau dền đỏ, bưởi, cam, quýt.
Lưu ý, bạn cần ăn thức ăn nóng, tuyệt đối không ăn thức ăn lấy trong tủ lạnh ra. Bên cạnh đó, nên ăn các loại thức ăn có tính nóng, ấm như ăn thịt bò kho gừng; các loại thức ăn, gia vị có chứa kháng sinh cao như tỏi, nghệ.
Trong tỏi có chất kháng sinh rất mạnh và có chất chống oxi hóa phòng tránh ung thư. Kể cả tỏi ta, tỏi tây và hành lá đều có lượng kháng sinh tốt.
Vitamin có rất nhiều trong rau hằng ngày nhưng nhiều trẻ nhỏ lại không thích ăn rau, hoa quả, vì vậy các gia đình cần tìm cách để trẻ ăn.
Các gia đình hãy chọn đa dạng rau củ, cần lưu ý xem trẻ thích ăn rau củ gì để ưu tiên cho vào cháo, bột. Nếu khi cho rau củ vào bột cháo mà trẻ không thích ăn thì các mẹ nên cắt rau củ cho trẻ ăn riêng. Cha mẹ cần chế biến các loại rau củ thành nhiều loại thức ăn phong phú để hấp dẫn trẻ
Nước cũng vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Thời tiết hanh khô, chúng ta nên uống nước thường xuyên, đừng để cơ thể quá khát nước thì mới uống. Ngoài ra, chúng ta cũng cần bổ sung các loại men probiotic cho cơ thể như ăn sữa chua để tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng.