Theo thông tin từ Dân Trí, vào mùa đông, thời tiết miền Bắc thường xuống thấp. Ở Việt Nam, thậm chí có những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C. Điều này không chỉ gây cảm giác lạnh giá thường trực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người dân mà còn tiềm ẩn những mối nguy cho tim mạch.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về y học tại Anh, cứ mỗi khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ đau tim lại tăng 2%. Nghiên cứu của Hội tim mạch học Mỹ (ACC) cho thấy, hơn 50% những cơn đau tim xảy ra vào mùa đông.
Các cơn đau tim thường xảy ra vào buổi sáng, thời điểm bệnh nhân mới ngủ dậy, nhất là vào những tháng mùa lạnh. Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do cơ thể đã lão hóa, dẫn đến giảm khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết.
Khi thời tiết lạnh, tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định. Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và khiến tim suy yếu theo thời gian.
Thời tiết lạnh là tác nhân làm tăng tiết các Catecholamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên. Hậu quả là lượng máu trở về tim tăng và gây tăng huyết áp.
Huyết áp của người bình thường là 120/80 mmHg. Nếu huyết áp tâm thu quá 180 mmHg là điều đáng lo ngại. Khi thời tiết lạnh, huyết áp của những người có tiền sử huyết áp có thể tăng lên tới 200mmHg. Nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây biến cố vỡ mạch và tử vong. Thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ gặp các cơn huyết áp kịch phát ở người bệnh đái tháo đường.
Trong khi đó, những người mắc bệnh mạch vành thường có nhu cầu oxy cho cơ tim cao hơn bình thường. Họ thường xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, khó thở và nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Nhiệt độ xuống thấp kéo theo sự gia tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi.
Làm việc trong thời tiết lạnh là một mối nguy tiềm ẩn đối với hệ tim mạch. Bởi khi đó cơ thể vừa gắng sức để hoàn thành công việc vừa phải cố tạo năng lượng giữ ấm, có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường có nguy cơ gặp các biến cố tim mạch cao hơn người bình thường dù chỉ cần gắng sức nhẹ trong mùa lạnh.
Theo Người Đưa Tin, khi gặp phải những dấu hiệu sau đây mọi người nên đi khám tim mạch càng sớm càng tốt:
Mệt mỏi quá mức
Mệt mỏi có thể có nhiều nguyên nhân. Đôi khi nó chỉ đơn giản là bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn do suy nhược cơ thể. Nhưng cảm giác kiệt sức có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, có thể liên quan đến tim mạch.
Khi mệt mỏi liên quan đến bệnh tim, bạn cảm thấy không thể thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày.
Đau thắt ngực
Mặc dù đau thắt ngực có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim. Đau thắt ngực là một loại đau ngực do lưu lượng máu đến tim giảm và là một triệu chứng của bệnh động mạch vành.
Đau thắt ngực thường được mô tả là cảm giác bị ép, áp lực, nặng nề, căng cứng hoặc đau ở ngực. Có thể có cảm giác như có một khối nặng đè lên ngực.
Tim đập nhanh
Khi tim đập nhanh bạn có cảm giác như tim đập mạnh hoặc lỡ nhịp. Khi tim đập nhanh, bạn có thể cảm thấy tim mình đang đập ở ngực, cổ hoặc cổ họng.
Triệu chứng này có thể xuất hiện khi bạn hồi hộp, lo lắng, vận động với cường độ mạnh... nhưng đây cũng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim.
Khó thở
Tim và phổi là 2 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng khó thở. Tim và phổi của bạn phối hợp với nhau để đưa oxy đến máu, các mô và loại bỏ carbon dioxide. Nếu một trong hai cơ quan này hoạt động không bình thường thì sẽ dẫn tới tình trạng có quá ít oxy hoặc quá nhiều carbon dioxide trong máu. Khi điều này xảy ra, cơ thể bạn sẽ phải thở mạnh hơn để lấy thêm oxy vào hoặc đẩy carbon dioxide ra ngoài.
Các tình trạng về tim có thể gây khó thở như suy tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim hoặc viêm cơ tim...
Chóng mặt
Chóng mặt là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khoẻ, đôi khi chỉ là do cơ thể suy nhược, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch, chẳng hạn như rung tâm nhĩ - gây ra nhịp tim không đều, đau tim, ngất do thần kinh tim hoặc tụt huyết áp đột ngột...
Hiện tượng phù nề
Sau khi ngủ dậy nếu bạn cảm thấy mặt bị căng phù, mí mắt trĩu nặng, hoặc có thể chân bị phù ở một vài thời điểm nhất định trong ngày, đột nhiên đi giày dép chật… thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, vì có thể đây là những triệu chứng của bệnh suy tim.
Nếu xuất hiện 1 trong số các triệu chứng kể trên, tuyệt đối đừng xem nhẹ. Cách tốt nhất là đến bệnh viện thăm khám.
Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, để phòng chống, giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch vào mùa đông, đầu tiên cần chú trọng giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ, mũi. Ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường vận động. Tuy nhiên, cần nhớ khởi động kỹ trước khi tập luyện, bổ sung nước kịp thời, tránh thời điểm nhiệt độ quá thấp vào sáng sớm và buổi tối muộn. Tốt nhất là không nên đi tập một mình, không tập luyện sau bữa ăn và tập luyện quá sức.
Nên cố gắng giảm thiểu chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà với ngoài trời. Ví dụ như không cởi bỏ áo khoác ngay sau khi vào nhà, không tắm nước quá nóng ngay sau khi đi ngoài trời lạnh về, không vội vã ra ngoài trời lạnh khi đang ngồi lò sưởi…
Ngoài ra, dù có bệnh nền tim mạch, rối loạn chuyển hóa hay không thì vẫn nên tự đo huyết áp, tự kiểm tra sức khỏe sơ bộ thường xuyên. Còn những người thuộc nhóm nguy cơ cao thì càng cần phải cảnh giác, nhờ tới sự hỗ trợ của bác sĩ thường xuyên hơn.