Nội dung bài viết
Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ không phải là hiện tượng hiếm gặp ở bé. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng có thể xác định được đúng nguyên nhân để lựa chọn cách khắc phục phù hợp. Mẹ hãy theo dõi ngay các thông tin dưới đây để trang bị kiến thức khi thấy con có hiện tượng cổ mẩn đỏ.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới bé sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ như sau:
- Vết cò mổ: Đây chỉ là tên gọi của những vết li ti nhìn giống như cò mổ. Vết này sẽ biến mất sau một khoảng thời gian, mẹ không nên lo lắng.
- Trẻ mẩn đỏ do rôm sảy: thời tiết quá nóng nực hoặc quá lạnh, khô có thể là nguyên nhân gây ra rôm sảy, đặc biệt là các bé sơ sinh dễ bị mẩn ở cổ và mặt nếu trời quá nóng.
- Da mẩn đỏ do kích ứng: Da bé rất nhạy cảm so với người lớn. Do vậy, khi tiếp xúc với một số yếu tố dễ gây kích ứng da như bụi, do cọ xát quần áo, chăn chiếu, hay thậm chí là các nếp trên cổ bé cọ xát khiến cho bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ và lưng.
- Da bé mẩn đỏ do bị nhiễm nấm: đây là tình trạng thường gặp ở trẻ, đặc biệt khi da trẻ bị ẩm ướt trong thời gian dài dễ bị nhiễm nấm, dẫn tới bị mẩn và ửng đỏ.
Cách phòng tránh trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Một số cách mà mẹ có thể áp dụng, tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả để tránh bé bị mẩn đỏ:
Mặc đồ cho bé thật thông thoáng, dễ chịu
Đồ mẹ lựa chọn mặc cho bé nên có chất liệu mềm mại và thấm hút tốt, tránh gây cảm giác bí. Mẹ nên tránh những trang phục vải thô cứng hoặc có nhiều chi tiết cọ xát sẽ dễ gây mẩn đỏ. Đặc biệt, vùng cổ của bé vào mùa hè nên để thoáng, mùa đông có thể giữ ẩm bằng vải mềm.
Vệ sinh da sạch sẽ cho bé
Da bé bị dư thừa độ ẩm hoặc không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nấm, mẩn hoặc ửng đỏ. Vì vậy, để hạn chế tối đa, mẹ cần luôn giữ cho da bé được sạch sẽ, không quá khô rát cũng không quá ẩm để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Mỗi ngày, mẹ nên vệ sinh cho bé bằng cách lau cơ thể bé bằng nước ấm, nước muối sinh lý. Sau khi vệ sinh, mẹ nhớ lau khô rồi mới mặc đồ cho bé. Đặc biệt, khi ăn hoặc uống sữa, bé có thể trớ hoặc bị rớt sữa xuống cổ, để lâu sẽ gây viêm nhiễm và mẩn đỏ. Vì vậy, mẹ nên dùng khăn sữa, khăn chuyên dụng cho bé khi ăn.
Giữ nhiệt độ phòng phù hợp cho bé
Nhiệt độ phòng quá cao sẽ khiến bé bị nóng, bí bách dẫn tới rôm sảy, dị ứng và rát da, mẩn đỏ. Ngược lại, nhiệt độ phòng quá lạnh và khô sẽ khiến bé bị khô da, nứt nẻ cũng dẫn tới bé bị nổi mẩn đỏ quanh cổ.
Vì vậy, mẹ nên lưu ý khi để nhiệt độ phòng, đặc biệt khi dùng điều hòa không nên để quá khô. Điều hòa phải có độ ẩm phù hợp cho bé hoặc có máy phun sương, tạo ẩm thêm nếu cần.
Cách điều trị trẻ bị mẩn đỏ ở cổ
Tùy theo mức độ mẩn đỏ ở bé sơ sinh mà mẹ có thể tham khảo các cách điều trị khác nhau dưới đây.
Trường hợp bé bị mẩn đỏ mức độ nhẹ
Bé bị mẩn đỏ ở cổ mức độ nhẹ tức là phạm vi không nhiều, không lan rộng, các vùng da chỉ ở tình trạng da ửng đỏ hoặc có chấm li ti giống vết cò mổ, không có mụn nước hay da viêm nhiễm. Trường hợp này, mẹ chỉ cần sát khuẩn bằng nước muối sinh lý, bôi dầu dừa nguyên chất cho bé hoặc các loại kem làm dịu da chuyên dụng cho trẻ sơ sinh. Mẹ lưu ý chọn dầu dừa nguyên chất, không lẫn các tạp chất, nếu không có thì mẹ có thể thay bằng dầu oliu.
Trường hợp bé bị mẩn đỏ mức độ nặng
Bé sơ sinh bị mẩn đỏ mức độ nặng thường có các dấu hiệu lan rộng và mẩn đỏ nghiêm trọng như sau:
- Trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ sau gáy, xung quanh cổ, lan cả lên mặt và xuống lưng.
- Các vùng da bé bị đỏ rát, có dấu hiệu tổn thương.
- Da bé có thể bị nổi mụn nước, bị viêm nhiễm hoặc có dấu hiệu nấm.
- Bé thường xuyên khó chịu, mất ngủ, quấy khóc hoặc thậm chí bỏ bú.
Trường hợp này, mẹ không nên tự ý chữa cho bé mà nên đưa bé đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời, tránh lan rộng. Bé có thể sẽ phải dùng kháng sinh, thuốc bôi ngoài để trị dứt điểm các yếu tố gây tình trạng mẩn đỏ.
Trên đây là các kiến thức mẹ cần nắm được về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ để có phương pháp điều trị thích hợp. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn chăm sóc bé yêu được tốt hơn.