Nội dung bài viết:
Nguyên nhân trẻ bị đau nhức đầu gối
Tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức tay chân là than phiền hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều hoặc có xô ngã. Nếu trẻ bị đau do vận động nhiều thì không có gì đáng lo nhưng nếu trẻ bị đau xương khớp tái diễn, lặp đi lặp lại, gây hạn chế vận động cho trẻ thì cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có cách khắc phục kịp thời.
Khi trẻ hay kêu đau đầu gối bạn có thể nghĩ ngay đến những nguyên nhân gây bệnh sau:
Hệ cơ xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển
Đau xương tăng trưởng là triệu chứng đau cơ xương khớp tương đối phổ biến ở thời thơ ấu, thường gặp ở trẻ em từ sau 3 tuổi đến dậy thì. Có khoảng 40% trẻ em từ 4 - 6 tuổi và 8 - 12 tuổi thường bị đau nhức xương tăng trưởng – giai đoạn tiền đề cho sự phát triển chiều cao.
Xương phát triển quá nhanh trong khi các chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương như canxi, vitamin D, sắt,… không được cung cấp kịp thời có thể gây ra các cơn đau, nhức cánh tay, cẳng chân ở trẻ.
Ngoài ra, hệ xương phát triển quá nhanh trong khi hệ cơ không phát triển kịp (xương dài ra nhưng các sợi cơ chạy dọc ống xương không dài ra kịp) khiến cho các cơ bị kéo căng, gây đau cơ tại chân, tay của trẻ. Trẻ em bị nhức chân về đêm vì đây là thời điểm xương phát triển nhanh nhất.
Đối với những trẻ thừa cân, béo phì, trọng lượng cơ thể gia tăng áp lực tác động lên khung xương còn non yếu sẽ khiến trẻ bị mỏi xương khớp gối, vùng thắt lưng…
Trẻ em hay kêu đau đầu gối đặc biệt sau khi có những buổi luyện tập hoặc chạy nhảy nhiều, có thể thấy sưng và đau ở lồi củ trên xương chày, ngay dưới xương bánh chè. Tuỳ theo mức độ tổn thương mà trẻ thấy đau ít hoặc đau nhiều, có trẻ đau liên tục kéo dài đến vài tháng, đau tái phát khi trẻ tham gia vận động, giảm bớt khi nghỉ ngơi.
Phụ huynh cần nhớ rằng đau tăng trưởng gần như ở cả hai chân, đau một bên chân có thể là tình trạng bệnh khác nghiêm trọng hơn. Các cơn đau do tăng trưởng không khiến trẻ đi khập khiễng và bị sốt.
Viêm khớp ở trẻ em
Viêm khớp gối là bệnh không hiếm gặp nhưng nhiều bậc phụ huynh có quan niệm bệnh chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi hoặc trung niên. Đây là tình trạng viêm sưng ở các khớp. Vấn đề này chỉ được phát hiện khi phụ huynh cho con em đi khám và tiến hành xét nghiệm máu.
Các dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị viêm khớp gối gồm:
- Trẻ cảm thấy đau ở khớp gối, gia tăng khi vận động, chạy nhảy. Các cơn đau lúc đầu thì nhẹ sau tái phát đau dần, kéo dài từ nhiều tuần đến nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
- Ngược lại với đau xương tăng trưởng thường biểu hiện đau nhiều vào ban đêm thì tình trạng viêm khớp làm các khớp gối bị co cứng, không thể duỗi hoặc co thường vào buổi sáng hoặc sau khi trẻ thức dậy.
- Tiếng động lạ ở khớp mỗi khi cử động, sung khớp, phù nề, biến dạng hoặc lồi ra.
- Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, sốt cao, sụt cân, phát ban, viêm phổi...
Nếu trẻ có những biểu hiện trên thì cha mẹ nên nhanh chóng cho trẻ đi khám để kiểm tra, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để được điều trị sớm, tránh trường hợp để bệnh lâu ngày trở thành viêm khớp mạn tính và biến dạng khớp nguy hiểm
Tổn thương do va chạm
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị tổn thương đầu gối do va chạm với vật cứng hoặc do té ngã, trường hợp này thì trẻ sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian cha mẹ không cần quá lo lắng.
Làm gì khi trẻ bị đau nhức đầu gối?
Trong trường hợp trẻ bị mỏi đầu gối, đau nhức thường xuyên thì cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ, ôm ấp, vỗ về để xoa dịu tinh thần con đồng thời thực hiện các biện pháp giảm đau hữu hiệu sau đây:
Hạn chế cho trẻ vận động quá sức khiến các bắp cơ bị kéo căng gây đau khi trẻ ở trạng thái nghỉ. Đồng thời, nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia nhiều các hoạt động thể dục thể thao khác nhau để phát huy sự tăng trưởng tất cả các nhóm cơ xương.
Khi trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cần băng thêm một miếng đệm trên vùng đau ở đầu gối để bảo vệ khớp gối. Mỗi khi bước vào tập luyện, trẻ cần được hướng dẫn thực hiện các động tác khởi động tốt. Sau mỗi buổi tập, trẻ cần thực hiện các động tác thư giãn các cơ vùng đầu gối.
Dùng nước đá chườm lên vùng đầu gối bị tổn thương để giảm sưng và đau.
Thực hiện massage đầu gối để giúp tăng tuần hoàn máu và thư giãn các mô cơ, ngoài ra sẽ giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối.
Khuyến khích trẻ tắm bằng nước ấm, đặc biệt là trước khi đi ngủ để giúp giảm đau nhức xương, lưu thông khí huyết trong cơ thể và dễ đi vào giấc ngủ.
Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý: Thực đơn giàu canxi, vitamin D, sắt… rất cần thiết cho giai đoạn phát triển của trẻ. Thông thường, trẻ từ 7-9 tuổi cần bổ sung 1000mg canxi/ngày. Trong khi đó trẻ trong giai đoạn dậy thì cần khoảng 1300mg canxi/ngày.
Những thực phẩm giàu canxi cha mẹ nên bổ sung trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày của con như sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng gà, rau xanh và trái cây…
Trong trường hợp bổ sung canxi cho trẻ bằng thuốc, cần lưu ý cho trẻ uống vào buổi sáng, không uống sau 14 giờ chiều và uống khi lúc đói... vì như vậy cơ thể sẽ không hấp thu canxi tối đa.
Cho trẻ đi ngủ đúng giờ: Xương phát triển nhanh nhờ các hormon tăng trưởng. Các hormone này được sản xuất nhiều nhất sau 10 giờ đêm. Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và cho bé đi ngủ đúng giờ có thể giúp trẻ phát triển chiều cao tốt nhất, tránh tình trạng đau, nhức chân khi bé còn đang thức.
Nếu trẻ đau không đỡ có thể nhờ bác sĩ tư vấn sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Trong trường hợp này cần phải ngưng hoàn toàn các động tác ảnh hưởng đến khớp gối một thời gian cho đến khi trẻ hết đau.
Các phụ huynh cần quan tâm chú ý khi trẻ em hay kêu đau đầu gối thường xuyên. Đau xương khớp là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em do trẻ lớn nhanh hơn so với lứa tuổi. Bên cạnh đó, đây cũng là biểu hiện cho nhiều bệnh nguy hiểm khác như viêm khớp, chấn thương...Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và xác định đúng bệnh. Ngoài ra cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, vitamin, đặc biệt là canxi trong suốt quá trình phát triển của trẻ.