Nội dung bài viết:
Trẻ ngủ không ngon giấc về đêm có ảnh hưởng như thế nào?
Đối với trẻ sơ sinh thì thời gian ngủ mỗi ngày cần đảm bảo từ 18 đến 20 tiếng, ngoài những lúc bú sữa ra thì gần như toàn bộ thời gian khác bé cũng chỉ ngủ cho đến khi độ tuổi tăng dần thì giấc ngủ của trẻ cũng giảm dần theo.
Nếu trẻ ngủ không ngon giấc về đêm không những khiến bố mẹ khó có được cơ hội nghỉ ngơi đầy đủ mà quan trọng hơn chính là ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban đêm thường có những biểu hiện điển hình như bé luôn khóc quấy không ngừng, hoặc ngay cả khi ngủ cũng cử động liên tục và dễ giật mình.
Nguyên nhân nào khiến trẻ ngủ không ngon giấc về đêm?
Theo chuyên gia sức khỏe trẻ em trên Pcbaby cho biết: Nguyên nhân trẻ ngủ không ngon giấc về đêm có rất nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân sinh lý, chế độ ăn uống, môi trường và cả các vấn đề bệnh tật. Chính vì vậy, để có biện pháp cải thiện cũng như phòng ngừa tốt thì bố mẹ trước tiên cần biết cụ thể nhân tố nào khiến bé ngủ không có giấc ngủ chất lượng.
Nguyên nhân sinh lý
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa có hệ thần kinh phát triển hoàn thiện, các chức năng hưng phấn và ức chế của thần kinh chưa thể điều tiết và cân bằng hợp lý như người trưởng thành. Do đó, bé rất dễ bị kích động hoặc tỏ ra phấn chấn hơn người lớn, chỉ một chút kích thích nhỏ từ bên ngoài cũng làm bé giật mình, khó ngủ.
Mặc dù hiện tượng trẻ sơ sinh ngủ đêm không ngon giấc khá phổ biến nhưng đây là vấn đề sinh lý bình thường nên không đáng lo ngại. Khi bé lớn hơn và chức năng hệ thống thần kinh dần dần hoàn thiện thì giấc ngủ cũng được đảm bảo hơn.
Nguyên nhân do ăn uống
Có câu: “Khi dạ dày không khỏe thì giấc ngủ không thể an ổn”, có nghĩa là khi mẹ cho trẻ bú sữa hoặc ăn dặm không hợp lý sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé gặp trở ngại, gây ra những triệu chứng khó chịu như chướng bụng, khó tiêu, đau bụng, táo bón, tiêu chảy v.v… cũng là lý do khiến trẻ ngủ không ngon giấc về đêm.
Nguyên nhân bệnh tật
Trẻ sơ sinh khó ngủ còn có thể do các vấn đề bệnh tật, đặc biệt là ký sinh trùng đường ruột là nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ảnh hưởng đến giấc ngủ khiến bé dễ giật mình tỉnh giấc thì ký sinh trùng có gây nhiều bất lợi cho sức khỏe của bé, chẳng hạn như tiêu hóa và hấp thu kém, thiếu máu, nhiễm trùng v.v… Ngoài ra, còi xương ở giai đoạn đầu cũng làm trẻ ngủ không ngon.
Nguyên nhân môi trường
Ánh sáng trong phòng quá mạnh, nhiều âm thanh ồn ào hoặc không khí ô nhiễm v.v… đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Ban đêm trẻ thường quẫy đạp, khóc quấy và khi giật mình thì rất khó ngủ lại. Bên cạnh nhiệt độ môi trường thì thói quen mặc nhiều quần áo hay đắp chăn quá dày của người lớn cũng dễ làm trẻ sơ sinh ngủ giấc ngắn không sâu.
Mẹ nên làm gì khi trẻ ngủ không ngon giấc về đêm?
Giảm thời gian giấc ngủ ngày của trẻ
Nhiều người có quan niệm rằng trẻ nhỏ thì ngủ được càng nhiều càng tốt mà không quan tâm đó là giấc ngủ ngày hay đêm. Để cải thiện tình trạng trẻ ngủ không ngon giấc về đêm, mẹ cần căn cứ vào độ tuổi cũng như sức khỏe của bé để điều chỉnh thời gian ngủ vào ban ngày cho phù hợp.
Ngoài thời lượng ngủ thì phòng ngủ của bé nên để ánh sáng dịu nhẹ, có thể hơi tối một chút cũng được, môi trường yên tĩnh và đảm bảo không khí lưu thông tốt. Một hoàn cảnh sống dễ chịu không những giúp bé dễ ngủ và ngủ sâu hơn mà còn có lợi cho sự phát triển thể chất của trẻ.
Tập dần cho bé thói quen ngủ độc lập
Người lớn khi chăm sóc trẻ thường thích bồng bế và ôm bé vào lòng cho đến khi bé ngủ mới đặt vào giường. Tuy nhiên thực tế chứng minh, thói quen này dễ khiến trẻ sinh ra tâm lý ỷ lại và lệ thuộc, một khi có tác động nhỏ từ bên ngoài hoặc lúc giật mình không nhìn thấy ai bên cạnh sẽ khiến trẻ càng bất an, sợ hãi, lâu ngày có thể gây rối loạn giấc ngủ.
Trẻ ngủ không ngon giấc hay quấy khóc rất có thể là do tâm lý này. Chính vì vậy, khi trẻ đến một độ tuổi thích hợp, bố mẹ nên tập dần cho trẻ thích nghi với việc ngủ một mình ở chiếc giường riêng, dù trẻ có hơi cựa quậy thì người lớn cũng đừng vội can thiệp vì trẻ có thể tự ngủ lại sau đó. Khi trẻ lớn hơn thì chuyện sắp xếp một phòng riêng biệt cho trẻ cũng rất cần thiết.
Chú ý cữ sữa hoặc bữa ăn dặm gần giấc ngủ của trẻ
Dù trẻ đang bú sữa mẹ hay đã bắt đầu ăn dặm thì mẹ không nên cho trẻ ăn uống quá no trước khi ngủ. Một mặt sẽ tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa, dễ sinh nhiều bệnh tật, mặt khác khi dạ dày của trẻ không khỏe thì giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng theo.
Đặc biệt mẹ không nên có thói quen cho trẻ vừa ngủ vừa ngậm vú vì dễ làm trẻ bị no quá mức lại tăng nguy cơ trẻ bị sặc sữa, thậm chí ngay cả núm vú giả cũng không nên cho trẻ ngậm trong giấc ngủ.
Sử dụng tã giấy để nâng cao hiệu quả giấc ngủ cho trẻ
Trẻ nhỏ thường tiểu tiện khá nhiều lần bất kể đêm hay ngày. Vì vậy, mẹ nên dùng tã giấy vào ban đêm để giảm tần suất phải thay tã nhiều gây ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ. Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý điều chỉnh độ vừa của tã để tránh quấn quá chật gây khó chịu cho cơ thể của bé.
Đưa trẻ đến bệnh viện nếu hoài nghi nguyên nhân bệnh tật
Trẻ sơ sinh trằn trọc khó ngủ phải làm sao? Nếu mọi thay đổi từ bữa ăn, môi trường, giờ giấc ngủ mà trẻ vẫn có biểu hiện ngủ không ngon giấc, dễ giật mình và khóc quấy hoặc kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác thì bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân bệnh tật.