Nội dung bài viết:
Lý do trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt
Bé sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt là một hiện tượng khá phổ biến do da trẻ còn quá mỏng nên rất dễ bị những yếu tố bên ngoài tác động vào và thường sẽ gây ra những khó chịu nhất định. Ngoài nguyên nhân do các yếu tố bên ngoài như côn trùng cắn, dị ứng thời tiết, dị ứng với sữa mẹ (mẹ ăn những thức ăn dễ dị ứng như đậu phộng, hải sản... sau đó cho bé bú) thì còn có những nguyên nhân do các bệnh lý về da gây nên.
Khi bé bị nổi mẩn đỏ mẹ có thể nghĩ ngay đến những nguyên nhân sau đây:
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa: Bệnh thường xuất hiện ở các bé có cơ địa dị ứng. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Trẻ thường có những biểu hiện ban đầu là nổi các mẩn đỏ ở mặt, sau đó lan rộng ra toàn thân thành những mụn nước li ti gây ngứa ngáy, khó chịu và đóng vảy ở một số trẻ da khô. Nếu không vệ sinh tốt vùng chàm này có thể gây ra các tổn thương sâu và để lại sẹo.
Mụn sữa: Là tình trạng rất hay gặp phải ở những em bé mới sinh và trong khoảng 3 tuần đầu. Mụn sữa có thể xuất hiện li ti ở mặt, cổ, tay chân và lưng vài tuần đến nhiều nhất là 3 tháng sẽ tự biến mất mà bố mẹ không cần can thiệp gì. Tuy nhiên tình trạng bệnh sẽ nặng hơn nếu như da con tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ hoặc chất tẩy rửa. Mụn sữa khi mới xuất hiện không gây đau và ngứa, mẹ lưu ý để phân biệt với tình trạng bé bị rôm sảy.
Rôm sảy: Thời tiết nóng ẩm ở nước ta cũng rất dễ khiến da bé sơ sinh bị rôm sảy. Thói quen ủ bé quá chặt, quá nóng cũng khiến cho tuyến mồ hôi của bé bị tắc làm cho sảy nổi lên ở mặt, đầu, lưng. Mẩn đỏ do rôm sảy thường lên từng mảng đỏ và khiến bé ngứa ngáy khó chịu. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng thường kéo dài hơn so với các bệnh khác, nếu để da bé bị trầy xước có thể gây nhiễm trùng da thứ phát.
Hăm da: Hiện tượng hăm không chỉ xuất hiện ở vùng mông mà nhiều bé còn bị hăm ở cổ, vành tai, cổ tay, chân, nách…Mẩn đỏ do hăm thường đỏ thành mảng và căng bóng. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, da vùng này dễ bị trầy và tạo mủ khiến bé ngứa, đau, quấy khóc.
Phát ban: Trẻ sơ sinh bị phát ban thường có những vết đỏ như muỗi đốt kèm theo đầu mủ li ti màu trắng hoặc vàng trên da mặt. Thông thường những vết này sẽ tự khỏi sau vài ngày, mẹ lưu ý không chà xát vùng da này và nặn mụn cho bé.
Nhiễm trùng da: Nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh thường được chẩn đoán là do virus, vi trùng, nấm, kí sinh trùng gây nên, nó được biểu hiện ra bên ngoài bằng những mẩn đỏ, mụn mủ, mụn nước,.. khi các mụn này vỡ ra sẽ tạo nên những vết loét, trợt da hoặc những vệt mủ lớn hơn. Bên cạnh đó bé còn có biểu hiện sốt, mệt mỏi, biếng ăn… Mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và mức độ tổn thương để có hướng điều trị.
Trẻ bị tăng tiết bã nhờn: Tình trạng thường xuất hiện khi con được khoảng 1 tháng tuổi, với các dấu hiệu đặc trưng như xuất hiện nhiều nốt nhọt nhỏ hơn mụn trứng cá, kèm theo mủ, tập trung chủ yếu ở những vùng da nhiều tuyến bã nhờn như trên da đầu, mặt, vùng thân trên cơ thể, có xu hướng lan rộng xuống cổ và khuỷu tay.
Sởi, sốt phát ban: Nếu bé sơ sinh bị nổi mụn đỏ trên mặt, sau đó là xuất hiện ở lưng, ngực, bụng…kèm theo biểu hiện sốt cao và dấu hiệu bệnh về đường hô hấp, quấy khóc hay bỏ bú thì rất có thể con đang bị sởi hoặc sốt phát ban. Bệnh sởi, phát ban được coi là bệnh lý nghiêm trọng, nó sẽ để lại di chứng về sau nếu không được điều trị đúng cách.
Mẩn đỏ ở trẻ sơ sinh là chuyện hết sức bình thường và hầu như trẻ nào cũng phải đối mặt 1 đến vài lần trong những năm tháng đầu đời, do đó cha mẹ không nên quá lo lắng, bất an.
Việc quan trọng là chúng ta cần xác định được căn nguyên khiến bé sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt, từ đó có những giải pháp trong việc xử lý và phòng ngừa kịp thời, đúng lúc.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt
Nhiều cha mẹ không dám đụng chạm vào những nốt nổi mẩn đỏ trên người con vì sợ chúng lây lan hoặc vỡ. Tuy nhiên đây lại là quan điểm chăm sóc trẻ sơ sinh sai lầm, nếu chúng ta không vệ sinh sạch sẽ da cho con sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh hơn, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.
Những điều mẹ không nên làm:
- Không nên nặn hay chà xát làm vỡ mụn ở vùng da bị mẩn đỏ bởi có thể gây nhiễm trùng
- Không nên thoa các loại kem không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc dùng sữa tắm có chất tạo bọt, tẩy rửa vì sẽ làm mẩn đỏ, ngứa nặng thêm.
- Không để trẻ gãi, cào cấu lên vùng có da bị mẩn đỏ, vì nó sẽ khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn. Không tắm hay lau da cho bé quá kỹ vì lúc này da của bé đang rất mỏng và dễ bị kích ứng.
- Trong thời gian cho con bú, mẹ tránh những thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như hải sản, đậu phộng,… Ngoài ra, nếu thấy con mình đang bị nổi mẩn đỏ, mẹ cũng nên hạn chế thức ăn quá mặn.
- Không dùng khăn quá cứng hoặc lau quá mạnh đặc biệt ở phần mặt để tránh tổn thương da, trớt da gây ửng đỏ, mưng mủ, gây đau cho trẻ.
Những điều mẹ nên làm:
- Nên thay quần áo thường xuyên, cho trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ mặc đồ thoải mái, thoáng mát.
- Cho bé uống nhiều nước, sữa và thực phẩm tươi mát để tăng sức đề kháng
- Sử dụng các loại sản phẩm tắm bé phù hợp với làn da của bé.
- Mẹ có thể tham khảo cho bé tắm bằng các loại nước lá tự nhiên như trà xanh, khổ qua, lá trầu không... đều có tác dụng diệt khuẩn và giúp da trẻ dịu mát.
- Luôn tạo không khí mát mẻ và thông thoáng trong phòng ngủ của bé, không đặt bé ở nơi quá nóng.
Trên đây là những nguyên nhân khiến bé sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt mà mẹ nên biết để có cách điều trị đúng cho bé. Sau khi đã thực hiện các biện pháp chăm sóc trên mà tình trạng da bé vẫn tái diễn, cách tốt nhất là đưa con đến bệnh viện để nhận được sự điều trị tốt nhất.