Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Nghẹt mũi xảy ra khi các mạch máu và mô trong khoang mũi chứa quá nhiều chất lỏng. Điều này khiến bé khó ngủ và có thể dẫn đến các vấn đề như nhiễm trùng xoang (viêm xoang). Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi cũng có thể gặp khó khăn khi bú sữa do không thể thở bằng miệng trong lúc bú.
Nếu bé bị sổ mũi, màu của dịch tiết là một đầu mối quan trọng để xác định nguyên nhân gây bệnh. Chất dịch chảy ra từ mũi bé lúc đầu có màu trong suốt thường là do virus gây ra, sau đó có thể chuyển sang màu trắng, xanh hoặc vàng.
Ngoài ra, dị ứng, không khí khô, chất lượng không khí kém, vách ngăn của sụn ngăn cách hai lỗ mũi bị lệch cũng là những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi.
Triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng cho thấy trẻ đang bị nghẹt mũi:
- Chất nhầy mũi đặc, chất nhầy mũi bị đổi màu
- Ngáy hoặc thở ồn ào khi ngủ
- Sụt sịt
- Ho
- Kém ăn, vì nghẹt mũi khiến trẻ bị khó thở khi bú.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể thở nhanh hơn bình thường. Trung bình, trẻ sơ sinh thở 40 hơi mỗi phút, nếu em bé của mẹ đang hít thở hơn 60 hơi mỗi phút hoặc nếu bé dường như đang cố gắng để lấy hơi, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm thế nào?
Nước muối sinh lý
Một trong những cách an toàn và hiệu quả nhất để giúp loại bỏ tình trạng nghẹt mũi của bé là nhỏ nước muối sinh lý. Sản phẩm này mẹ có thể mua mà không cần toa.
Mẹ hãy nhỏ 1-3 giọt vào mỗi lỗ mũi để làm lỏng chất nhầy bên trong. Sau đó sử dụng quả bóng hút để hút nước muối và chất nhầy. Có thể đặt một chiếc khăn cuộn ở dưới vai của bé để mẹ có thể nhẹ nhàng nghiêng đầu bé ra sau một chút, đảm bảo nước muối được nhỏ vào mũi bé.
Bóp quả bóng hút trước khi đặt vào mũi trẻ, sau đó thả tay ra, quả bóng hút sẽ hút chất nhầy và nước muối từ bên trong mũi trẻ ra ngoài. Nếu mẹ bóp quả bóng hút khi đã đặt ở trong mũi trẻ, nó sẽ đẩy ra một luồng không khí và đẩy chất các nhầy ra xa hơn vào trong khoang mũi.
Sau khi hút được dịch nhầy, mẹ nên bóp dịch nhầy ra khăn giấy để kiểm tra màu sắc dịch mũi của bé. Thực hiện điều này vào thời điểm 15 phút trước khi cho bé bú sữa và trước khi đi ngủ, giúp bé dễ thở hơn khi bú mẹ, bú bình hoặc đi ngủ.
Nước muối sinh lý đơn thuần đã hoạt động rất tốt trong việc làm loãng nhầy mà không gây kích ứng niêm mạc mũi trẻ, mẹ không nên chọn các dung dịch chứa thuốc để nhỏ vào mũi bé mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Luôn đảm bảo rửa và làm khô quả bóng hút sau mỗi lần sử dụng.
Làm ẩm mũi cho trẻ sơ sinh
Máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm giải phóng một làn sương mát vào phòng là một lựa chọn tốt và an toàn, miễn là mẹ để nó xa tầm tay của bé. Nên bật máy tạo độ ẩm khi bé ngủ hoặc khi mẹ và bé cùng chơi với nhau trong phòng.
Để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển, hãy thay nước hàng ngày, làm sạch và làm khô bình tích áp theo hướng dẫn của máy.
Nếu mẹ không có máy tạo độ ẩm trong gia đình, mẹ có thể đưa bé vào phòng tắm, bật vòi hoa sen xả nước nóng để phòng tắm có nhiều hơi nước, mẹ sẽ ôm bé trong phòng tắm một vài phút để bé hít thở không khí ẩm.
Không được xông tinh dầu để làm thông mũi cho trẻ sơ sinh. Vì các tài liệu y văn đã khuyến cáo, các tinh dầu đặc biệt là tinh dầu bạc hà có tác dụng ức chế hô hấp ở trẻ dưới 2 tuổi.
Cho trẻ nằm gối cao
Đặt một chiếc gối để đầu của trẻ cao hơn bàn chân một chút. Điều này có thể giúp các chất nhầy thoát ra khỏi xoang mũi. Tuy nhiên nếu bé còn quá nhỏ và ngủ trong cũi, mẹ không nên áp dụng phương pháp này.
Cần loại bỏ gối, gấu bông, hạn chế chăn mền ở khu vực ngủ của trẻ sơ sinh để giảm nguy cơ SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Chỉ nên cho bé gối đầu cao để giảm nghẹt mũi khi con đã được 2 tuổi trở lên. Nếu trẻ đã đủ lớn, hãy dạy bé cách xì mũi.
Thông thường, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi sẽ tự thuyên giảm và khỏi hẳn sau vài ngày khi được chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Trường hợp trẻ khó thở tăng dần do nghẹt mũi nặng, mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và xử trí kịp thời.
Nguồn: https://www.webmd.com/children/features/help-child-stuffy-nose#1