Khi tắm cho trẻ, cha mẹ luôn rất cẩn thận để tránh cho nước vào tai, tuy nhiên đôi khi vẫn xảy ra sơ sót. Đối với trẻ sơ sinh, khi trẻ bị nước vào sẽ có biểu hiện phản ứng lại ngay bằng cách quấy khóc hoặc nghiêng đầu qua bên tai bị nước chảy vào.
Nhưng với các bé lớn hơn, việc vô tình bị nước chảy vào tai khi tắm, đi bơi, tắm biển, chơi dưới mưa… mà không phát hiện ra có thể khiến trẻ mắc một số bệnh về tai.
Làm gì khi trẻ bị nước vào tai?
Việc đơn giản và thiết thực nhất mà cha mẹ cần làm khi thấy nước vào tai của trẻ là nhanh chóng nghiêng đầu trẻ sang bên tai bị nước vào, sau đó kéo vành tai xuống dưới rồi lắc nhẹ, nước sẽ chảy dần ra.
Thông thường, theo cách này, nước từ tai trẻ sẽ không chảy ra hết, phần nước còn lại sẽ được hấp thu bởi tổ chức dưới da của ống tai ngoài.
Nếu làm theo cách như trên nhưng trẻ vẫn cảm thấy nước còn đọng nhiều trong ống tai, cha mẹ có thể dùng một miếng bông khô, sạch đặt ở cửa tai để hút nước từ ống tai ra ngoài. Không được lau hay ngoáy tai quá sâu vào bên trong.
Nếu trẻ vẫn cảm thấy khó chịu kéo dài, cảm giác buồn buồn, ù tai làm cho khó chịu, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ tai mũi họng để khám.
Trẻ bị nước vào tai có sao không?
Bệnh viêm ống tai ngoài sẽ xuất hiện nếu trẻ bị nước vào tai, cha mẹ xử trí bằng cách lau chùi quá nhiều và sâu, lớp biểu bì bảo vệ ống tai bị tổn thương khiến vi khuẩn xâm nhập vào ống tai ngoài gây viêm ống tai.
Biểu hiện viêm nhiễm vào giai đoạn đầu là ngứa, sau đó đau nhức ngày càng tăng. Lúc này trẻ cần được điều trị kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh toàn thân tùy theo mức độ do bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng quyết định.
Nếu màng nhĩ bị thủng sẵn trước đây do viêm tai giữa, khi tắm nước vào tai trẻ sẽ gây viêm tái phát với biểu hiện chảy mủ tai màu vàng xanh, ù tai, giảm mức độ nghe.
Nếu nguồn nước vào tai trẻ là nước không hợp vệ sinh, trẻ rất dễ bị viêm nhiễm, đồng thời còn tiềm ẩn các tác nhân gây ra những bệnh về mũi và họng.
Cha mẹ nên chủ động dạy trẻ biết cách để phòng và xử lí ngay khi bị nước vào tai. Nhiều trường hợp trẻ bị nước vào tai nhưng cha mẹ không phát hiện ra khiến cho tình trạng viêm tai ngày một nặng thêm.
Phòng tránh nước chảy vào tai khi tắm cho trẻ sơ sinh
Điều này rất đơn giản, khi tắm cho trẻ sơ sinh, cha mẹ dùng bàn tay đỡ lấy phần đầu của trẻ, sử dụng ngón cái và ngón áp út đẩy nhẹ vành tai của bé ra trước để che 2 tai lại, đỡ đầu trẻ hơi ngửa ra sau.
Khi gội đầu, phụ huynh nên đổ nước từ từ để tránh nước chảy vào ống tai của trẻ. Sau khi tắm nên dùng tăm bông lau khô vành tai ngoài, không được đẩy tăm bông vào sâu trong tai của trẻ.
Nắm rõ việc phải làm gì khi trẻ bị nước vào tai sẽ là một kỹ năng cần thiết cho các ông bố bà mẹ trong hành trình chăm sóc và nuôi dạy con yêu.