Theo Medical News Today, virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ sơ sinh và trẻ em trên toàn thế giới. Gần như tất cả trẻ em ở Mỹ bị nhiễm RSV trước khi bước sang tuổi thứ hai.
Trong khi đó, hen suyễn là bệnh viêm phổi lâu dài phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng đường thở bị thu hẹp và sưng tấy. Đến nay, giới y học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra hen suyễn. Dù vậy, căn bệnh này có khả năng xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh cần nhập viện vì nhiễm RSV nặng có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn hoặc thở khò khè mạn tính sau này trong thời thơ ấu.
RSV có thể gây ra bệnh hen suyễn không?
Nhiễm virus, chẳng hạn RSV, adenovirus và coronavirus, có thể gây ra sự khởi đầu và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn thông qua các yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Tăng nồng độ immunoglobulin E (kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch) trong huyết thanh
- Tổn thương hoặc kích hoạt biểu mô (da)
- Giảm phản ứng kháng virus
- Thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể
- Thúc đẩy viêm đường hô hấp
- Gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới
Một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng nhiễm RSV sớm có liên quan đến việc tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em. Bằng chứng cho thấy nhiễm RSV có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất của các tế bào đường thở đang phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những thay đổi này có thể làm thay đổi chức năng rào cản, khiến trẻ dễ bị mẫn cảm với chất gây dị ứng.
Mẫn cảm với chất gây dị ứng là một yếu tố nguy cơ đáng kể liên quan đến sự khởi phát bệnh hen suyễn và nhiễm RSV nặng có thể khiến tình hình thêm trầm trọng thông qua việc tăng độ nhạy cảm của cơ thể trẻ với các chất gây dị ứng thông thường.
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa viêm tiểu phế quản khi mắc RSV nghiêm trọng, sự phát triển tiếp theo của chứng thở khò khè và tình trạng hen suyễn tái phát sau này trong thời thơ ấu của trẻ. Trong một nghiên cứu của Trung Quốc năm 2021, hơn 1/3 trẻ sơ sinh và trẻ em bị viêm tiểu phế quản thứ phát do nhiễm RSV bị thở khò khè và hen suyễn tái phát.
Tương tự, những trẻ nhập viện vì RSV trước 2 tuổi có nhiều khả năng mắc hen suyễn trước 18 tuổi. Họ cũng có nguy cơ nhập viện do hen suyễn cao gấp 3 lần và nguy cơ sử dụng thuốc hen suyễn cao gấp hai lần.
Bệnh hen suyễn có thể khiến trẻ mắc RSV nặng hơn không?
Những người mắc bệnh hen suyễn có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu họ bị nhiễm RSV. Bằng chứng cũng lưu ý rằng nhiễm RSV có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe mạn tính, chẳng hạn bệnh hen suyễn.
Ví dụ, một người mắc bệnh hen suyễn có thể bị lên cơn hen suyễn do những bệnh nhiễm trùng này.
Ai có nguy cơ nhiễm RSV nặng?
Bằng chứng lưu ý rằng thông thường, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ nhiễm RSV nghiêm trọng cao hơn. Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Mỹ, những nhóm người sau đây có nhiều khả năng bị biến chứng nặng do RSV:
- Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở xuống
- Trẻ sinh non
- Trẻ em dưới 2 tuổi mắc các bệnh mạn tính khi mới sinh
- Trẻ em bị rối loạn thần kinh cơ, bao gồm cả những trẻ khó nuốt và làm sạch chất nhầy
- Trẻ mắc hội chứng Down
- Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên
- Người lớn mắc bệnh tim hoặc phổi mạn tính, chẳng hạn những người mắc bệnh hen suyễn, khí thũng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Người lớn sống ở độ cao lớn
- Người lớn có hệ thống miễn dịch yếu hoặc các vấn đề về miễn dịch
Triệu chứng nhiễm RSV
Trong hầu hết trường hợp, người bị mắc RSV sẽ xuất hiện các triệu chứng trong vòng 4-6 ngày sau khi nhiễm virus. Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng RSV bao gồm:
- Sổ mũi
- Giảm cảm giác ngon miệng
- Ho
- Hắt xì
- Sốt
- Thở khò khè
Ngưng thở có thể là triệu chứng ban đầu ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện với các triệu chứng sau:
- Viêm phổi do virus
- Tình trạng thiếu oxy, đó là khi các mô và tế bào không nhận đủ oxy để hoạt động bình thường
- Mệt mỏi
- Ngưng thở (hơi thở ngừng lại và bắt đầu lặp đi lặp lại trong khi ngủ)
- Suy hô hấp cấp tính
Cách giảm nhẹ triệu chứng khi nhiễm RSV
Để giúp giảm các triệu chứng nhiễm RSV, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên nên dùng thuốc hạ sốt, giảm đau và uống nhiều nước. Những thứ này có thể giúp kiểm soát cơn sốt, cơn đau, ngăn ngừa tình trạng mất nước. Trước khi cho trẻ uống thuốc cảm không kê đơn, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần hỗ trợ thở, từ ống thông mũi lưu lượng cao đến thở máy. Do đó, những người có nguy cơ mắc bệnh từ trung bình đến nặng có thể cần được chăm sóc tại bệnh viện để nhận được sự hỗ trợ đầy đủ.
Hiện tại, không có phương pháp điều trị cụ thể nào đối với người nhiễm RSV. Dù vậy, giới khoa học, các công ty đang tiến hành nghiên cứu để phát triển vaccine và thuốc kháng virus.
Loại thuốc kháng virus gọi là ribavirin có thể có một số hoạt động chống lại RSV. Tuy nhiên, hiện tại, các bác sĩ không còn khuyên dùng nó nữa, ngoại trừ những người có vấn đề nghiêm trọng về hệ thống miễn dịch.