Suy thận mạn là gì?
Suy thận mạn là căn bệnh nguy hiểm, được xem là "án tử" đối với những ai không may mắn mắc phải.
Đây là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển mạn tính qua nhiều năm do xơ hóa các nephron chức năng, gây giảm sút từ từ mức lọc cầu thận dẫn đến tình trạng tăng nitơ phi protein máu như urê, creatinin máu, acid uric...
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thận là: Viêm cầu thận, viêm bể thận, đa nang (nhiều u nang thận); các yếu tố nguy cơ như xơ vữa động mạch (làm tổn hại các mạch máu trong thận), tiểu đường, tăng huyết áp.
Nguyên nhân gây ra suy thận mạn ở người trẻ
Hiện nay tỉ lệ người trẻ mắc bệnh suy thận mạn ngày càng gia tăng. Theo bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận, người trẻ đừng xem thường tình trạng tăng huyết áp thất thường, nếu không kiểm soát tốt nó sẽ dẫn đến bệnh suy thận mạn.
Suy thận mạn khi được phát hiện thường nằm ở những giai đoạn cuối, đến lúc này thì không thể cải thiện tình trạng bệnh, chỉ có thể áp dụng các biện pháp (uống thuốc, chạy thận) nhằm duy trì sự sống.
Do tăng huyết áp và suy thận đều là bệnh ít có triệu chứng nên nhiều người không hay biết mình bị bệnh. Ở những giai đoạn đầu, hai căn bệnh này thường được phát hiện nhờ tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh tăng huyết áp sẽ có các triệu chứng hồi hộp (tim đập mạnh), nhức đầu, chóng mặt trong chốc lát,... Trong khi đó, suy thận sẽ chỉ có triệu chứng khi bệnh ở những giai đoạn cuối.
Bác sĩ Võ Hoài Ân thông tin: "Thận là cơ quan làm việc rất mệt nhọc, phải liên tục xử lý chất thải trong máu và các chất độc hại trong cơ thể. Thận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường, điều tiết các chất dịch của cơ thể, muối... Việc không cân bằng lối sống và chế độ ăn uống có thể dễ dẫn đến các bệnh lý về thận.
Lối sống không lành mạnh, lười vận động khiến các cơ quan nội tạng dễ dàng suy kiệt. Bất kỳ một cơ quan nào không hoạt động hiệu quả cũng kéo theo sự trì trệ ở các cơ quan khác.
Hiện nay người trẻ thường có lối sống và sinh hoạt không lành mạnh (thức khuya, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, lười vận động,...). Do đó, dễ gặp phải tình trạng tăng giảm huyết áp. Tuy nhiên, họ thường bỏ qua triệu chứng này. Một số ít người có đi khám và điều trị nhưng chưa "đến nơi đến chốn" nên rất tai hại.
Khi bị tăng huyết áp, áp lực trong mạch máu tăng lên, theo thời gian sẽ khiến mạch máu mất tính đàn hồi và trở nên xơ cứng. Các mạch máu tại thận bị hư hại làm thận mất chức năng lọc chất thải, dẫn đến quay trở lại tác động đến huyết áp. Đây là một vòng luẩn quẩn khó có thể điều trị nếu không phát hiện sớm".
Phòng ngừa bệnh suy thận mạn
Bác sĩ Võ Hoài Ân khuyên mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ nên chú ý hơn đến tình trạng sức khỏe của mình và đi khám định kỳ. Kiểm soát tốt tình trạng cao huyết áp là một trong những cách giúp bạn phòng ngừa suy thận mạn hiệu quả.
Theo bác sĩ, huyết áp của một người bình thường (không dùng thuốc huyết áp và chưa có tiền sử bệnh) là 120/80 mmHg. Trường hợp huyết áp cao hơn 120/80 mmHg và dưới 140/90mmHg gọi là tiền cao huyết áp. Càng về sau, bệnh nhân mắc tăng huyết áp càng dễ mắc phải các bệnh về tim mạch, mất xương, giảm thị lực, thoái hóa não bộ, suy thận mạn,...
Trong trường hợp bị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu phải sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp, tuyệt đối không được tự ý thay đổi thuốc, ngưng thuốc.
Đồng thời, chúng ta cần ăn uống khoa học (ăn nhiều rau củ quả, hạn chế dùng muối và thực phẩm chế biến sẵn,...), thường xuyên luyện tập thể dục và không thức khuya.
Ngoài ra, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có những biện pháp can thiệp kịp thời.