Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng. Đây là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa insulin, khiến lượng đường trong máu cao hơn bình thường.
Tiểu đường không thể điều trị dứt điểm và để lại nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như thận, tim mạch, tăng huyết áp,... Thậm chí, các biến chứng của tiểu đường có thể khiến bệnh nhân bị đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường. Các chuyên gia sức khỏe cho biết chế độ ăn uống không hợp lý (nhiều tinh bột, dầu mỡ, đường, thực phẩm chế biến sẵn,...), lối sống lười vận động,... là những lý do cơ bản khiến chúng ta dễ dàng mắc phải bệnh tiểu đường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường rất khó điều trị, thậm chí không thể chữa khỏi dứt điểm. Việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp người bệnh được can thiệp y học, theo dõi điều trị và giảm nhẹ các biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra.
Theo bác sĩ Trần Văn Sáng, Chuyên Nội khoa tổng quát Virginia tại Hoa Kỳ cho biết: "Triệu chứng xuất hiện sớm nhất của tiểu đường là sau khi ăn xong, bạn sẽ thấy mệt mỏi, buồn ngủ và mắt trở nên mờ.
Có nhiều người ăn xong sẽ buồn ngủ ngay nhưng nếu thấy mệt nhiều hơn và mắt mờ thì bạn phải đi kiểm tra sức khỏe ngay. Nguyên nhân là khi lượng đường huyết tăng cao thì bắt buộc cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, thị lực suy giảm và buồn ngủ nhanh chóng.
Đây là những triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường, sau đó mới xuất hiện các dấu hiệu đi tiểu nhiều và uống nước nhiều hơn.
Đặc biệt, với những người trên 40 tuổi, dù không làm việc nặng nhọc nhưng sau khi ăn lại thấy mệt thì nên nhanh chóng đi khám sức khỏe".
Ngoài triệu chứng trên, dưới đây là những dấu hiệu cơ bản khác cho biết bạn có thể đã mắc phải bệnh tiểu đường. Lúc này, bạn cần đi khám bác sĩ gấp để tìm ra bệnh chính xác và có phương pháp điều trị hợp lý.
Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng
Khi mắc bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm nghiêm trọng khiến bạn dễ bị nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng thường gặp khi bị tiểu đường là: Nhiễm trùng da, viêm tế bào, nhiễm trùng đường tiết niệu,... Khi gặp phải các loại nhiễm trùng này, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và tầm soát tiểu đường.
Tiểu tiện nhiều hơn bình thường
Người trưởng thành thường tiểu tiện khoảng 1-2 lít mỗi ngày. Trong khi đó, người mắc bệnh tiểu đường sẽ tiểu tiện nhiều hơn, thường là 2–3 lít mỗi ngày. Nguyên nhân là cơ thể đang cố gắng lọc máu và loại bỏ glucose thừa ra khỏi cơ thể.
Đồng thời, lúc này người bệnh sẽ bị khát và uống nước nhiều, nên thận sẽ lọc ra nước tiểu nhiều hơn. Có một dạng tiểu đường rất hiếm gặp - đái tháo nhạt, tuy không liên quan đến đường huyết nhưng vẫn khiến bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Do đó, khi thấy tình trạng đi tiểu nhiều hơn bình thường, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, từ đó đưa ra kết luận chính xác.
Giảm cân không rõ nguyên nhân
Người tiểu đường thường ăn nhiều hơn nhưng không tăng cân. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người càng ăn nhiều càng giảm cân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự suy giảm quá trình chuyển hóa glucose. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề.
Bạn nên đi khám sức khỏe để biết được chính xác vấn đề mình đang mắc phải, từ đó có giải pháp kịp thời và hợp lý.
Cơ thể có mùi bất thường
Ít ai biết rằng, khi bị tiểu đường cơ thể bạn sẽ có mùi trái cây hoặc mùi rất ngọt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khi mức đường huyết tăng cao, cơ thể sẽ phân hủy chất béo thành năng lượng thay vì đường, quá trình này tạo ra chất hóa học acetone có mùi trái cây.
Bác sĩ Trần Văn Sáng khuyên: "Người từ 40 tuổi trở lên nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, nói cho bác sĩ biết các triệu chứng. Dựa vào các triệu chứng của người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định có nên kiểm tra tầm soát tiểu đường hay không; khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho tầm soát.
Đồng thời, thông qua việc khám sức khỏe định kỳ, bạn sẽ đảm bảo sức khỏe tốt và sớm phát hiện các bệnh lý (nếu có)".