Vai trò của thận trong cơ thể
Mỗi người đều có hai quả thận nằm phía sau bụng, bên dưới cơ hoành. Thận có 4 chức năng chính: Giữ cân bằng dịch cùng các khoáng chất mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường; loại bỏ các sản phẩm như urê (giáng hóa của protein trong thực phẩm), creatinine (tạo ra trong tiến trình vận động cơ bắp).
Thận còn có chức năng giải phóng một số hormon thiết yếu vào máu để điều hòa huyết áp; giúp tủy xương tạo hồng cầu và hoạt hóa vitamin D để hấp thụ canxi trong thức ăn.
Suy thận là gì?
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận. Sự suy giảm thể hiện chủ yếu ở chức năng bài tiết chất thải khiến một lượng lớn dịch, chất điện giải, chất độc… bị tích lũy gây rối loạn các cơ chế nội sinh của cơ thể. Nhiều trường hợp, các chức năng khác của thận như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu,... bị suy giảm nghiêm trọng.
Có 2 loại suy thận: Suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp là tổn thương cấp tính, xảy ra nhanh chóng, bất ngờ. Nếu phát hiện sớm, có thể điều trị khỏi bệnh và chức năng của thận được khôi phục bình thường.
Suy thận mạn là chức năng thận suy giảm từ từ trong thời gian dài. Quá trình suy thận mạn có thể kéo dài từ 5 - 10 năm hoặc lâu hơn tùy từng trường hợp cũng như số lượng giảm sút các đơn vị chức năng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn như: Đa nang (nhiều u nang thận), mắc bệnh xơ vữa động mạch (trong đó có làm tổn hại các mạch máu trong thận), bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận. Trong đó, chế độ ăn uống không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra suy thận mạn.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết: "Các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch do xơ vữa,... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh suy thận.
Đồng thời, người trẻ bị tăng huyết áp thất thường nhưng không điều trị dứt điểm cũng dễ dẫn đến suy giảm các chức năng của thận. Tuy nhiên, suy cho cùng, chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý đã gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp,... lâu dần dẫn đến biến chứng suy thận".
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh suy thận
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh suy thận thường không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng cho đến khi đã tiến triển ở mức độ nguy hiểm. Khi thấy những triệu chứng như tiểu ra máu, phù nề, không muốn ăn, nước tiểu có bọt,... bệnh suy thận đã ở những giai đoạn cuối và phải nhập viện để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
"Ở những giai đoạn đầu, bệnh suy thận thường không có dấu hiệu. Khi đã xuất hiện các dấu hiệu thì bệnh đã nặng và nằm vào những giai đoạn cuối" - Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận, bác sĩ Võ Hoài Ân chia sẻ.
Phòng ngừa bệnh suy thận
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bác sĩ Võ Hoài Ân khuyên: "Bệnh suy thận chỉ có thể phát hiện khi đi khám hoặc xét nghiệm định kỳ. Do đó, với người bình thường, từ 3 đến 6 tháng, chúng ta nên đi xét nghiệm nước tiểu và máu để kiểm tra tình trạng sức khỏe cũng như sớm phát hiện bệnh suy thận.
Đối với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh suy thận như: tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh liên quan đến thận, miễn dịch, xương khớp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đồng thời, kiểm soát chế độ ăn uống, sinh hoạt và điều trị căn bệnh hiện tại để tránh các biến chứng sang thận".
Theo đó, chỉ có xét nghiệm định kỳ mới có thể phát hiện sớm bệnh suy thận. Nhiều trường hợp, nhờ chuẩn đoán và điều trị sớm nên đã ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt
Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt là điều tiên quyết trong tất cả các biện pháp phòng ngừa, chữa trị hiệu quả bệnh suy thận cũng như các vấn đề khác của cơ thể.
"Chúng ta phải thay đổi lối sống, điều chỉnh giờ sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống. Khi ăn, nên hạn chế nêm nếm quá mặn và sử dụng thực phẩm đóng hộp. Với những người có nguy cơ cao như tiểu đường, tăng huyết áp,.... phải kiểm soát thời gian sinh hoạt và chế độ ăn uống chặt chẽ để duy trì sức khỏe tốt và hạn chế biến chứng sang suy thận" - Bác sĩ Võ Hoài Ân thông tin.
Bệnh suy thận diễn biến âm thầm nhưng mang đến hậu quả cực kỳ lớn cho bệnh nhân và người nhà. Đồng thời, bệnh cũng không có dấu hiệu để nhận biết, do đó, bạn phải chủ động phòng ngừa để có sức khỏe tốt cũng như không mắc các bệnh về thận.