Nguy kịch vì cốc sữa
Sau hơn 1 tuần, anh Lê Huy Dương, công tác tại Bệnh viện Hợp Lực (Thanh Hoá), vẫn chưa hết bàng hoàng nghĩ lại ngày kinh hoàng xảy ra với gia đình anh.
Bé được 5 tháng, vợ anh Dương đã đi làm do trước đó nghỉ sinh sớm. Trước khi đi công tác, mẹ bé đã vắt sữa ở nhà để bà cho uống. Sợ sữa mẹ không đủ cho đến ngày mẹ về nên bà bé cho uống sữa bột.
Ngày 11/4, sau khi uống sữa bột, bà cháu bé gọi điện cho bố về việc cháu uống sữa xong bị nổi mẩn khắp người. Tuy nhiên, bé vẫn chơi bình thường. Đến hơn 11 giờ, anh Dương về nhà vì nghĩ con bị dị ứng thông thường nên anh theo dõi. Da bé chỉ đỏ, đã lặn hết các nốt mẩn.
Tuy nhiên, bé nôn ra sữa đã uống trước đó. Vừa lau xong sữa cho bé trớ ra, anh Dương thấy các đầu ngón tay, ngón chân của bé tím dần, môi nhợt nhạt và bé bắt đầu thở rít dần do phù nề đường thở.
Ngay lập tức, anh Dương nghĩ tới bé bị sốc phản vệ. Nhà có sẵn thuốc adrenalin 1mg trị sốc phản vệ. Anh tiêm cho bé 0,2ml rồi nhanh chóng cho con vào Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cấp cứu. Ban đầu, tình trạng của bé có cải thiện. Tuy nhiên, từ 3 giờ chiều, tình hình xấu đi và mỗi giờ trôi qua bé đều rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Anh Dương nhận được thông báo của bác sĩ nên chuẩn bị tư tưởng vì rơi vào tình trạng sốc phản vệ như bé rất nặng và khó qua khỏi. Lúc này, anh Dương không tin vào sự thật. Trong lúc bức bách, anh xin tư vấn của nhiều bác sĩ hồi sức tích cực và cuối cùng anh quyết định đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương với tâm lý đi cũng mất con mà ở cũng mất con nhưng dù còn 1% cơ hội anh vẫn không bỏ cuộc.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, cháu bé được chẩn đoán sốc phản vệ do dị ứng với sữa.
Lúc này, bé được nhanh chóng đưa vào phòng hồi sức tích cực của bệnh viện để cấp cứu. Nhưng tình hình vẫn xấu đi. Đến 1 giờ ngày 12/4, bác sĩ phải tiến hành lọc máu và vẫn sử dụng thuốc vận mạch. Cả gia đình anh đều nghĩ rằng họ đã mất con, mất cháu.
Tuy nhiên, sáng đến trưa 12/4, tình hình của bé có chút cải thiện hơn. Đúng như phép màu, từ chỗ bác sĩ ở tỉnh lắc đầu, ra đến Hà Nội cấp cứu cũng chỉ nhận được lời động viên chuẩn bị tinh thần, sau 3 ngày điều trị tích cực bé đã cai được máy thở và cải thiện dần dần. Sau 1 tuần nhập viện, bé đã được bác sĩ cho ra viện vì khoẻ hơn.
Nhớ lại những giây phút của ngày hôm đó, anh Dương vẫn chưa hết run. Anh cho rằng con anh may mắn hơn vì anh làm trong ngành y dược cũng hiểu được về sốc phản vệ và có biện pháp nhanh nhất để cứu con, xử lý tại chỗ và đưa vào cấp cứu nhanh nhất. Trước đó, không chờ xe cấp cứu của bệnh viện, anh đưa con bằng xe máy vào bệnh viện ở Thanh Hoá.
Vì sao sữa bò gây dị ứng?
Theo TS Lê Minh Hương, Trưởng khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Nhi trung ương, các kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương nhiều năm trước thì kết quả phỏng vấn các bà mẹ thì có đến 12,6% trẻ có các triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, nhưng thực tế qua sàng lọc chẩn đoán thì chỉ 2,1% trẻ thực sự dị ứng nhanh với đạm sữa bò.
Tuy nhiên phản ứng với đạm sữa bò còn có cơ chế dị ứng muộn với các triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Các biểu hiện nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, táo bón, thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng chưa tìm thấy nguyên nhân có thể do nguyên nhân dị ứng đạm sữa bò. Ngoài ra, dị ứng đạm sữa bò thường chẩn đoán nhầm lẫn với bất dung nạp đường Lactose.
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Dị ứng với đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường hay gặp.
Trẻ bị dị ứng sữa với các triệu chứng như cơ thể nổi các ban mề đay, mẩn ngứa, viêm da, nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, khò khè, thậm chí sốc phản vệ. Trong đó phản ứng sốc phản vệ là nặng nhất và không điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong.
Để phòng dị ứng sữa, bác sĩ khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ, đồng thời sữa mẹ cũng bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi nguy cơ bị dị ứng thức ăn.
Trường hợp bà mẹ không có sữa, phải nuôi con bằng sữa mẹ nhưng bé nằm trong nhóm có cơ địa dị ứng, bác sĩ khuyến cáo trẻ cần được sử dụng một loại sữa có công thức đạm thủy phân toàn phần để hạn chế tối đa khả năng gây dị ứng cho trẻ.