Chỉ số tia cực tím cao
Thời tiết trên cả nước đang bước vào thời gian cao điểm của nắng nóng. Chỉ tính riêng Hà Nội ngày 19/4 nhiệt độ đã tăng 36 độ C. Trước đó, trang Weatheronline của Anh dự báo chỉ số tia cực tím tại TP.HCM từ ngày 18 đến 23/4 dao động ở mức 12. Đây là chỉ số cao ảnh hưởng tới sức khỏe của con người cũng như nguy cơ tia cực tím tác động đến da gây ung thư da.
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo chỉ số UV ở mức trên 10 thì nguy cơ làm da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút nếu không có phương tiện bảo vệ da. Tia UV ở mức 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ở ngoài nắng.
Chính vì thế, việc bảo vệ làn da trong những ngày nắng nóng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người còn có quan niệm sai lầm trong bảo vệ da như chỉ cần che chắn là đủ, chỉ cần dùng kem chống nắng là cản được tia UV hoàn toàn.
Đến khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương, chị Trần Mai Trang (31 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) được bác sĩ chẩn đoán nám mảng, viêm da do mụn bọc. Đặc biệt, sau chuyến công tác miền Nam về, da vùng vai và chân của chị Trang bị đỏ, rát dù chị đã sử dụng kem chống nắng.
Chị Trang phân trần chị rất chăm chỉ chăm sóc da, sáng nào khi ra khỏi nhà, chị cũng bôi kem chống nắng nhưng không hiểu sao da vẫn sạm và kèm theo nám lan rộng.
Theo bác sĩ khám và tư vấn cho chị Trang, da chị Trang da dầu, chị có sử dụng kiềm dầu nhưng kem chống năng sử dụng không đúng. Toàn bộ kem chống nắng đều là dành cho da khô mà không phải da dầu như đặc điểm làn da của chị.
Hơn nữa, thói quen bôi kem chống nắng buổi sáng khi ra đường không giúp chị Trang giảm nám mà còn hại da hơn vì kem chống nắng phải bôi liên tục vài lần một ngày, dù dùng kem chống nắng thì vẫn phải bảo vệ làn da bằng mũ vành rộng, khẩu trang và áo chống nắng.
Theo PGS Nguyễn Văn Thường, chỉ số tia UV sẽ tăng cao ở mức 8 – 10 ở phía Nam và Hà Nội trong ngày tới dự báo. Đây là mức cảnh báo nguy hiểm cho làn da khi tiếp xúc với ánh nắng nhất là thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ hàng ngày.
Chống nắng như thế nào?
PGS Thường cho biết người dân còn rất sai lầm trong chăm sóc da, đặc biệt là bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời như thế nào. Nhiều người chủ quan cho rằng đeo khẩu trang, ngồi trong xe ô tô sẽ không lo bị tia UV tấn công.
Trên thực tế, hoàn toàn không phải vậy. Dù ở bất cứ đâu, ngồi trong phòng lạnh hay ngồi trong xe hơi thì chị em vẫn bị tổn thương làn da bởi các tia UV. Các tia UV này không bị ngăn cản bời các lớp kính hoặc có thể do hiện tượng phản xạ ánh sáng, vẫn tìm đến làn da để gây tổn thương.
Chính vì thế, việc sử dụng kem chống nắng phải thường xuyên, khoảng 2 - 3 giờ bôi một lần, không cần rửa mặt khi bôi lại kem chống nắng.
Về chỉ số SPF, không phải là kem chống nắng tổt là có chỉ số SPF cao. SPF là thời gian chống nắng của kem. Ví dụ: SPF bảo vệ da khỏi tia UV trong trong 10 phút tương đương với kem chống nắng có chỉ số SPF 15 làn da được trong 150 phút (2,5 giờ đồng hồ), SPF 50 là 500 phút.
Tuy nhiên, để bảo vệ được tối đa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể như bản chất da dầu hay da hỗn hợp, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng.
Chính vì thế, PGS Thường nhấn mạnh nên sử dụng kem chống nắng khoảng 2 – 3 tiếng một lần dù chỉ số kem chống nắng cao hay thấp, dù ngồi trong xe hơi hay đi ngoài trời. Khi ra ngoài, nên bôi kem chống nắng trước khoảng 30 phút.
Kem chống nắng có khả năng gây tác dụng phụ như ngứa, rát, làm phát sinh hay nặng hơn mụn trứng cá, dị ứng da, gây cảm giác khó chịu trong điều kiện khí hậu nóng ẩm... Nếu gặp phải vấn đề này, chị em nên tìm tới bác sĩ để được tư vấn sử dụng kem phù hợp với da của mình giảm tác dụng phụ.
Ngoài sử dụng kem chống nắng, PGS Thường khuyến cáo người dân khi ra đường cần sử dụng các loại mũ vành rộng chống nắng, áo chống nắng để tránh ánh nắng tác động trực tiếp lên làn da nhất là phụ nữ và trẻ em.
"Thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều là thời điểm nắng cao điểm nhất, ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím nhất. Nếu phải đi ra ngoài nắng trong thời gian này, chị em nên sử dụng mũ vành rộng, kính râm, áo chống nắng để tránh tác hại của ánh nắng mặt trời" – PGS Thường khuyến cáo.