Giáo sư Tasuku Honjo từ Đại học Kyoto (Nhật Bản) là một trong hai người giành giải Nobel Y học 2018. Năm 1992, giáo sư Honjo xác định được protein PD-1 hoạt động như chất chốt kiểm miễn dịch, có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch để nhận diện và tấn công tế bào ung thư.
Từ phát hiện này, ông kết hợp với Công ty Dược phẩm Ono phát triển liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư, kết quả cho ra đời thuốc Opdivo.
Trong họp báo đầu tháng 4, giáo sư Honjo cho biết muốn đàm phán lại hợp đồng ký từ năm 2006 với Công ty Dược phẩm Ono. Ông tiết lộ mình được nhận chưa đầy 1% lợi nhuận từ việc bán và nhượng quyền Opdivo. Tại một số thị trường như Mỹ, giá liệu trình Opdivo một năm lên tới 150.000 USD.
"Khoản chia này không hề hợp lý", luật sư đại diện giáo sư Honjo nói. Theo người này, khoản tiền dành cho nhà khoa học đoạt giải Nobel nên được điều chỉnh lên 5-10%.
Mâu thuẫn giữa giáo sư Honjo và Công ty Dược phẩm Ono có thể xuất phát từ khả năng xử lý kém trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Thực tế, năm 2003, giáo sư Honjo đã đề nghị Đại học Kyoto đăng ký bằng sáng chế nhưng không thể thực hiện do thiếu nhân lực, chuyên môn cũng như kinh phí.
Vì vậy, ông nhờ đến sự hỗ trợ của Ono. Năm 2006, giáo sư Honjo và Công ty Dược phẩm Ono được công nhận là đồng sở hữu bằng sáng chế Opdivo.
Phát triển thuốc mới là quá trình cực kỳ đắt đỏ cả về tiền bạc lẫn thời gian nhưng tỷ lệ thành công cực thấp, khoảng một trên 30.000. Tuy nhiên, đi kèm rủi ro lớn là phần thưởng kếch xù. Nhà khoa học Satoshi Omura cũng đoạt giải Nobel đã được một nhà sản xuất thuốc ở Mỹ trả 20 tỷ yen (180 triệu USD) tiền bản quyền thuốc chống ký sinh trùng.
Trước Opdivo, liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư không được biết đến rộng rãi. Những năm 2000, Ono chỉ là nhà sản xuất thuốc cỡ vừa với doanh thu 100 tỷ yên mỗi năm. Dù chưa từng có kinh nghiệm với các loại thuốc ung thư, công ty này vẫn quyết định đặt cược hàng chục tỷ yen phát triển Opdivo.
Nhằm tránh kiện tụng, giáo sư Honjo yêu cầu trực tiếp thảo luận với Ono song công ty này chưa đưa ra cách giải quyết. Nhiều chuyên gia lo ngại cuộc đối đầu giữa giáo sư Honjo và Công ty Dược phẩm Ono sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các công ty và đại học Nhật Bản.