Thuốc bảo vệ thực vật phân hủy hết sau thu hoạch
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, từ trước đến nay có một số ý kiến lo lắng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức khiến gạo bị tồn dư chất hóa học, điều này không có cơ sở.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, các loại rau ăn lá trực tiếp sử dụng các loại hóa chất, phân bón… không cách ly đủ ngày mới đáng ngại. Còn đối với cây lúa thì khác hẳn. Các loại thuốc bảo vệ thực vật nói chung thường sau 7 ngày là sẽ phân hủy hết. Cứ cho là phun thuốc bảo vệ thực vật thì sau khi thu hoạch, hạt thóc còn được phơi nắng ở nhiệt độ cao nhiều ngày rồi lại được xay xát trong máy với nhiệt độ trên 40 độ C thì thuốc trừ sâu cũng không thể tồn tại được.
Nếu dư lượng thuốc có tồn tại đến lúc thu hoạch thì quá trình sơ chế này cũng khiến thuốc bị phân hủy hết. Hoặc nếu có tồn dư thì chắc chắn là cũng rất nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe như các loại rau củ quả có phun thuốc trừ sâu không cách ly đúng ngày.
"Hơn nữa, liều lượng phun thuốc trừ sâu cho lúa cũng rất ít. Như tôi tính toán thì người dân thường phun 20g/bình/sào. 1ha chỉ phun hết khoảng 500g thuốc trừ sâu mà là phun cả ruộng. Nghĩa là hạt thóc chỉ chiếm có 10% diện tích của cây lúa, ngoài ra còn lá, cây, rễ… Và cũng chỉ phun được ở vỏ của hạt thóc, khi xay xát, phơi dưới nhiệt độ cao như vậy thì hóa chất sẽ tự phân hủy hết.
Là người có đến 50 năm nghiên cứu về lúa gạo, tôi khẳng định rằng tất cả các giống lúa gạo của Việt Nam đều an toàn với người sử dụng, không có khái niệm gạo "bẩn" như một số người nói", PGS.TS Nguyễn Văn Hoan khẳng định.
Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng gạo như một nguồn dinh dưỡng thiết yếu mỗi ngày mà không cần phải quan tâm đến những thông tin thiếu căn cứ khoa học.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mặt hàng lúa gạo là mặt hàng chủ lực của nền kinh tế. Trong khi các nước nhập khẩu họ kiểm soát rất gắt gao đầu vào, vùng trồng. Nên không có chuyện gạo có tồn dư hóa chất hay gạo được đánh bóng bằng hóa chất, sử dụng chất bảo quản chống mối mọt... như thông tin trôi nổi trên mạng xã hội nêu.
Gạo hữu cơ bổ dưỡng hơn gạo thường?
Trước đây, PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (ĐH Hiroshima, Nhật Bản) công bố hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có trong gạo hữu cơ Quảng Trị. Theo đó, ông đã đem gạo hữu cơ Quảng Trị sang viện nghiên cứu nơi ông làm việc để làm xét nghiệm. Kết quả là loại gạo này không những sạch mà còn siêu sạch, đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Không chỉ vậy, hợp chất MA và MB có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gút được tìm thấy trong gạo hữu cơ Quảng Trị.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, hai chất MA và MB là những chất cực kỳ quý trong gạo, có tác dụng phòng chống bệnh gout, chống lão hóa, tiểu đường... Nhật Bản là nơi có nhiều giống lúa giàu MA và MB. Hiện ở Việt Nam, mô hình trồng thí điểm giống gạo giàu MA và MB đang được thực hiên ở Quảng Trị.
Gạo trồng theo quy trình hữu cơ có tiêu chuẩn rất cao và nghiêm ngặt. Loại gạo giàu hợp chất quý giá MA và MB càng khó hơn. Đầu tiên phải có giống lúa phù hợp. Sau đó là đất trồng phải là đất sạch, không chứa kim loại nặng.
Không bón bất cứ loại phân hóa học nào mà phải sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. Loại phân này phải do các đơn vị sản xuất được kiểm nghiệm và đạt yêu cầu chứ không phải phân lợn, gà bón cho cây trồng như người nông dân truyền thống vẫn làm. Nước tưới cho cây phải là loại nước sạch, được phân tích thành phần ổn định, không có các ion gây hại. Và để sản xuất an toàn, tuân thủ quy trình, thì phải do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tổ chức, có kiểm tra, giám sát, ghi nhận quá trình chăm sóc. Loại gạo hữu cơ khi đó sẽ có giá đến hàng triệu đồng/kg.
Do đó, gạo hữu cơ theo quy trình chuẩn có nhiều hoạt chất hơn gạo canh tác thông thường.
Không phải giống lúa nào trông theo quy trình hữu cơ cũng cho ra loại gạo giàu MA và MB, do đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, cần có những nghiên cứu cụ thể, đánh giá thử nghiệm trên từng giống lúa gạo ở Việt Nam để biết loại nào có tiềm năng, có thể sản xuất đại trà cho ra loại gạo chất lượng cao như vậy.
"Thực tế trong bất kỳ loại gạo nào cũng có thành phần MA và MBloại gạo nào cũng có thành phần MA và MB, tuy nhiên hàm lượng cao hay thấp tùy thuộc vào giống và quy trình canh tác nêu trên. Giống như vitamin ở loại rau quả nào cũng có, nhưng loại nào giàu vitamin A, loại nào giàu vitamin B… thì lại tùy giống cây. Khoa học thế giới đã chứng minh MA và MB là những hoạt chất rất quý, tốt cho tất cả mọi người, và đặc biệt tốt với người tiểu đường", PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.
Với người không có bệnh nền gì đặc biệt, việc sử dụng gạo canh tác thông thường cũng rất tốt cho sức khỏe, không cần thiết phải sử dụng đến những loại gạo quá đắt tiền.